Vấn đề xe công gây lãng phí đã được đưa ra bàn thảo nhiều năm nay. Tuy nhiên, hàng chục năm rồi “dự án” khoán xe công vẫn chưa thực hiện được vì những đặc quyền khó bỏ.
Hiện nay, cả nước có gần 37.300 xe công với tổng nguyên giá hơn 23.986 tỉ đồng (chiếm 2,3% tổng giá trị tài sản nhà nước). Trong đó, chủ yếu là xe phục vụ công tác chung (21.114 chiếc); xe phục vụ chức danh là 860 chiếc. Tính riêng năm 2016, cả nước mua mới và tiếp nhận 2.166 xe công với tổng nguyên giá hơn 2.015 tỉ đồng. Trong đó có 1.002 chiếc tăng do việc tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mua mới là 1.164 xe. Số xe công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.085 chiếc với tổng nguyên giá hơn 1.094 tỉ đồng.
Để “nuôi dưỡng” gần 40 nghìn chiếc xe như vậy thì ngân sách Nhà nước phải chi chừng chục nghìn tỉ mỗi năm, chưa kể đến một danh sách nhân sự đi theo để phục vụ những chiếc xe này. Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, từng tiết lộ trong vòng 5 năm, tiền sửa chữa, bảo dưỡng bằng tiền mua một xe mới. Đó là chưa kể bảo hiểm, đăng kiểm, xăng xe, trả lương lái xe là chi phí khổng lồ.
Con số thống kê của Cục Quản lý công sản cho biết, chi phí cho mỗi chiếc xe công hàng năm trung bình là 320 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng, chi phí bình quân cho 1 xe công là trên 26 triệu đồng/tháng. Dự kiến ngân sách sẽ tiết kiệm khoảng 3.400 tỉ đồng/năm. Tổng số tiền ngân sách bỏ ra mỗi năm cho xe công hiện nay lên tới 12.800 tỉ đồng, theo Báo Vietnamnet.
Trong khi đó, nợ công thì vẫn ngày một tăng nhanh. Tại Hội nghị tổng kết tài chính hồi đầu năm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nợ công trong 5 năm qua tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng chi thường xuyên cao, dư địa chính sách tài khoán hạn hẹp, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính là đột phá trong cải cách, quản lý tài sản công để tăng thu, hạn chế thất thoát. Và mới đây Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo về tiêu chuẩn sử dụng xe công để lấy ý kiến sửa đổi. Theo đó, chỉ có 4 chức danh được sử dụng thường xuyên 1 xe công từ khi đương chức cho đến khi đã nghỉ hưu gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Ngoài ra, các chức danh được hưởng chế độ xe riêng đưa đón giảm đáng kể. Chỉ cấp bộ trưởng trở lên mới được sử dụng xe chức danh với giá trị mua sắm tối đa 1,1 tỉ đồng. Từ cấp thứ trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh (phụ cấp 1,25) trở xuống sẽ không còn chế độ xe riêng, thay vào đó là nhận khoán kinh phí sử dụng xe.
Chi phí này cũng được tính từng công đoạn, bao gồm đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan (và ngược lại) đối với chức danh thứ trưởng; đi công tác đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ô tô phục vụ công tác chung.
So với quy định hiện hành từ 2 xe/cục và 1 xe/vụ xuống còn 1 xe/đơn vị (đơn vị có số biên chế được duyệt từ 50 người trở lên) và 1 xe/2 đơn vị (đơn vị có số biên chế được duyệt dưới 50 người)… Việc quy định định mức ô tô căn cứ vào biên chế được giao nhằm hạn chế số lượng xe trang bị cho các đơn vị có số lượng công việc ít, biên chế thấp.
Nếu quy định này được áp dụng thì đến năm 2020 số ô tô phục vụ công tác chung có thể giảm từ 30%-50%, tương đương giảm trung bình 10.000 xe/năm. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản ước tính riêng xe phục vụ chức danh giảm khoảng gần 700 xe. Dự kiến ngân sách sẽ tiết kiệm khoảng 3.400 tỉ đồng/năm.
Chỉ cần một điều chỉnh nhỏ đã giữ cho ngân sách được một khoản tiền kha khá. Chừng ấy cũng đủ để xây dựng hàng loạt dự án phòng chống thiên tai và có thể cứu đói cho nhiều tỉnh nếu gặp phải bão lũ như vừa qua. Bởi trong giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị hàng đã xuất cấp để cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thuốc thú y, giống cây trồng… là trên 4.000 tỷ đồng. Và đơn cử như cơn bão số 12 hồi đầu tháng 11 đã gây tổn hại nặng nề các tỉnh Nam Trung Bộ, Chính phủ đã chi 1000 tỷ đồng để cứu trợ.
Tuy nhiên, việc bỏ xe công sẽ không hề đơn giản, không chỉ vướng cơ chế mà còn bởi những đặc quyền khó bỏ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chiến lược và Phát triển, Bộ KH&ĐT, từng nêu quan điểm trên Tiền Phong rằng, có nhiều yếu tố khiến những người được sử dụng không muốn rời xe công.
Như đi đường, xe công được ưu tiên hơn, thậm chí có Đại biểu Quốc hội từng nói đi xe biển trắng bảo vệ không cho qua cổng. Do đó, xe biển xanh dường như có một đặc quyền mà các phương tiện khác không có. Chưa hết, khi xe hết thời công vụ sẽ được thanh lý. Giá thanh lý những phương tiện này lại rất thấp khiến nhiều người phải bất ngờ mà đặt câu hỏi về quá trình xét duyệt thanh lý.
Sau rất nhiều phương án được đưa ra bàn thảo thì khoán kinh phí đi lại cho lãnh đạo ban ngành đang được cho là hợp lý nhất. Song vấn đề nảy sinh là khoán như nào, và quản lý ra sao để đảm bảo hợp lý và công bằng thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
TS Phạm Chi Lan cho rằng, việc khoán xe công cũng giảm nguy cơ lạm dụng xe công phục vụ việc riêng, gây phản cảm trong xã hội. Tuy nhiên, tính định mức khoán xe công tỉ mỉ quá sẽ khó cho người thực hiện. Thay vì thế, chỉ áp dụng định mức trung bình cho tất cả mọi công chức, như việc áp dụng bình quân thuế với doanh nghiệp.
Định mức đi lại được tính theo cơ cấu bậc lương, bậc lương cao sẽ hưởng định mức cao hơn, vì họ thường sẽ phải bỏ chi phí đi lại họp hành, kiểm tra nhiều hơn. Đồng thời, việc tính định mức đi lại vào lương cũng giúp cải thiện lương thực nhận của công chức, lãnh đạo cơ quan nhà nước, tránh được việc nói lương công chức quá thấp.
Thanh Tùng