Đại Kỷ Nguyên

Giáo viên vùng cao đu dây, vượt suối hơn 17km ‘cõng chữ lên non’

Hậu quả của các đợt lũ quét vừa qua đã khiến cung đường từ trung tâm thị xã Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đến trung tâm xã An Lương bị chia cắt nghiêm trọng, để mang được chữ và lương thực đến trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học An Lương, các giáo viên phải đi bộ hơn 17km, đu dây, vượt suối vô cùng nguy hiểm, vất vả.

Thầy giáo Nguyễn Quang Diện, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học An Lương cho biết trên Dân Trí, đến thời điểm hiện tại, để và được trường tiểu học An Lương chỉ còn duy nhất cách đi bộ do nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng, không có phương tiện nào vào được.

Theo thầy Diện, trường PTDTBT tiểu học An Lương cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khoảng 24 km, nếu đường xá thuận lợi như trước thì đi khoảng 1 tiếng là đến trường.

Tuy nhiên, bây giờ đi vào phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, trong đó chỉ có khoảng gần 10 km có thể đi xe máy, còn lại là đi bộ. Nhiều đoạn đường bị sạt hẳn xuống như một cái hồ nhỏ, nên giáo viên phải đu dây mới vượt qua được. Mỗi giáo viên vào trường còn phải cõng gần 30 kg lương thực, thực phẩm cho các em học sinh bán trú, vất vả không biết đâu kể hết.

Dưới đây là những hình ảnh giáo viên vất vả “cõng chữ lên non” do thầy giáo Đồng Thanh Chung, giáo viên Trường PTDTBT tiểu học An Lương chia sẻ. (Ảnh: Dân Trí)

Không chỉ mang cái chữ, các giáo viên Trường PTDTBT tiểu học An Lương còn phải gùi từng bao lương thực nặng cho học sinh ăn ở bán trú.
Đường đi bây giờ chỉ còn mỗi đá sỏi…
Xe máy chỉ đi được khoảng 7, 8 km, còn lại phải đi bộ hơn 17 km với những bao tải lương thực nặng gùi trên lưng.
Một cây cầu bị nước lũ gây sạt lở, cuốn trôi móng.
2 giáo viên nữ cũng phải đi bộ suốt 17 km đến trường.
Cây cầu bị sạt lở nặng rất nguy hiểm cho người đi bộ.
Một đoạn đường bị sạt lở phải bắc cầu tạm là những thanh gỗ, cây rừng để băng qua.
Sạt lở nghiêm trọng đến mức đến cả máy múc cũng không thể di chuyển vào để cứu hộ.
Nhiều cung đường bị sạt lở biến thành hồ nhỏ, mà giáo viên muốn vượt qua phải đu dây hoặc men theo lòng suối.
Thanh Thanh (Theo Dân Trí)
Exit mobile version