Trong 3 cây sưa hàng trăm năm tuổi ở đình Quán Giá (huyện Hoài Đức, Hà Nội), có cây cao khoảng 15 m, đường kính thân hơn 1 m, từng được trả giá hơn 60 tỷ đồng.
Video: Dân Việt
Thông tin từ Báo Dân Việt, trong đình Quán Giá có gần 10 cây gỗ sưa, trong đó có 3 cây to hàng trăm năm tuổi.
Cây sưa cổ thụ nhất hơn 100 năm tuổi nằm ngay trước đình, có đường kính hơn 1m, cỡ hai vòng tay người lớn, cao khoảng 15 m và tán lá tỏa ra rộng. Cây này từng được giới kinh doanh gỗ trả giá trên 60 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Kỳ (thôn 5) – thủ từ đình Quán Giá cho biết, đầu năm 2010, giá gỗ sưa sốt, một số người đến thôn trộm gỗ sưa và bị người dân phát hiện. Từ đó, công an xã lập chốt ngay cạnh đình bảo vệ cây.
Khoảng 10 năm trở lại đây, thương lái lùng mua gỗ sưa ráo riết. Loại lõi nhỏ có giá bán 3-5 trăm nghìn đồng/kg, loại lâu năm có giá 40-50 triệu đồng/kg. Chính vì vậy, người dân thôn 5 ví cây sưa như vàng ròng, nhưng không có nguyện vọng bán.
Cây sưa thứ hai cũng có tuổi đời trên 100 năm tuổi, trồng trước đình, ngay cạnh đường đi của thôn. Cây này từng bị kẻ trộm cưa mất một nhánh trong đêm mưa gió. Vì vậy, khoảng 5 năm nay công an xã đã lập chốt bảo vệ ở góc khuôn viên khu di tích, canh gác ngày đêm.
Theo Báo Dân Trí, hiện nhiều phần cành, thân của cây sưa bị cưa trộm bị chết khô, mối mọt, rỗng lõi bên trong. Tuy nhiên, người dân trong xã không thể chặt bỏ vì thủ tục rắc rối.
Cây sưa thứ ba cũng gặp tình trạng tương tự, phần ngọn đã cắt bỏ từ lâu, xuất hiện mối mọt, còn lá cây xanh tốt do mầm mọc lên.
Đình Quán Giá được công nhận di tích lịch sử văn hoá, cấp Quốc gia năm 1991. Ba cây sưa nằm trong sự quản lý của Bộ Văn hóa Thể thao, người dân không được tự ý cắt cành, mua bán…
Ánh Tuyết (Tổng hợp)