Mang trong mình 2 căn bệnh quái ác: Xương thủy tinh và não úng thủy nhưng 2 anh em Bảo Ngọc, Tường Vy (Hà Tĩnh) đã vượt qua số phận để được đến trường. Nghị lực 2 anh em là câu chuyện khiến nhiều người phải nể phục.
Lọt lòng đã mang căn bệnh quái ác
Đến xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh không khó để hỏi thăm nhà 2 anh em Lê Bảo Ngọc (12 tuổi) và Lê Nữ Tường Vy (7 tuổi). Số phận cuộc đời của 2 anh em là một câu chuyện dài về nghị lực sống, theo báo Người Đưa Tin.
Vừa lọt lòng mẹ, Bảo Ngọc và Yến Vy đã không được may mắn như những đứa trẻ cùng trang lứa khác, các em mắc phải căn bệnh quái ác: Xương thủy tinh và não úng thủy.
Chị Đinh Thị Thoa (sinh năm 1982), mẹ của 2 anh em Bảo Ngọc cho biết, vào năm 2004, chị kết hôn cùng anh Lê Văn Mạnh (sinh năm 1979) là người làng bên. Tuy cuộc sống nghèo khó nhưng 2 vợ chồng cùng nhau cố gắng làm thuê cuốc mướn, tằn tiện để chờ đón ngày những đứa con ra đời.
Đến năm 2005, chị Thoa sinh hạ được người con trai đầu lòng là cháu Lê Bảo Ngọc. Thế nhưng, khi vợ chồng chị chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ thì tai họa đã ập đến. Vợ chồng chị thấy lạ khi Bảo Ngọc càng ngày càng yếu ớt, xanh xao. Đưa con đi khám, vợ chồng chị Thoa như chết đứng khi bác sỹ chẩn đoán, bé Bảo Ngọc mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh. Mặc dù nhà rất nghèo, nhưng vợ chồng chị vẫn cố vay mượn tiền để đưa con đi chữa bệnh.
Từ đó, rong ruổi ngày này qua tháng khác, vợ chồng chị Thoa bồng con đi khắp nơi để chữa trị, mong con được khỏe mạnh như các đứa trẻ bình thường. Thế nhưng, tình hình sức khỏe của Bảo Ngọc cũng không được cải thiện. Càng lớn lên, thân hình em lại thay đổi khác lạ. Phần đầu của em cứ ngày một phình to ra, chân tay thì teo tóp lại, mềm nhũn, không thể đi lại được.
Trước những chuyển biến về thể trạng của con, vợ chồng chị Thoa lại vay mượn tiền, đưa ra Hà Nội khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sỹ kết luận ngoài bệnh tim bẩm sinh, Bảo Ngọc còn mắc bệnh xương thủy tinh và não úng thủy.
“Khi nghe tin, tôi tưởng như bị sét đánh ngang tai. Con trai tôi không thể đi lại, không thể sống một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Những đêm đầu, tôi không thể nào ngủ được, thức trắng vì nghĩ đến con. Rồi những cơn đau hành hạ con mỗi đêm, con khóc, tôi cũng khóc… cứ như thế hết đêm này qua đêm khác…”, chị Thoa nghẹn ngào nói.
Năm tháng cứ thế trôi qua, khi Bảo Ngọc lên 5 tuổi, vợ chồng chị Thoa quyết định sinh em bé thứ 2. Thế nhưng, bất hạnh lại đổ ập xuống gia đình chị một lần nữa, khi đứa con gái thứ 2 là cháu Lê Nữ Tường Vy vừa lọt lòng cũng mắc phải căn bệnh như anh trai. Thương con, 2 vợ chồng chị Thoa làm việc quần quật không kể ngày đêm để có tiền trang trải thuốc men và chăm sóc cho 2 con. Chị luôn mơ thấy các con mình có thể đi đứng, chạy nhảy vui cười với bạn bè đồng trang lứa.
Nghị lực phi thường
Dẫu bệnh tật như vậy nhưng lớn lên, nhìn các bạn cầm bút tập viết, Ngọc đã xin bố mẹ mua vở, bút để được học chữ. Chiều con, chị Thoa cũng mua vở để cho Ngọc tập viết. Những nét chữ đầu tiên của Ngọc là cả sự đau đớn về thể xác.
Để cầm được bút, em phải dùng lực ghì chặt đôi tay yếu ớt lên thân bút. Đầu vừa to, vừa nặng nên Ngọc phải nhoài hẳn người lên bàn, bỏ một cái chén dưới cằm tỳ chặt xuống mới viết được. Chứng kiến con đau đớn, chị Thoa không cầm nổi nước mắt.
Mấy lần chị cất hết bút vở nhưng lại không đành lòng khi nhìn thấy con khóc lóc năn nỉ, cầu xin mẹ được tập viết chữ. Mỗi ngày, Ngọc kiên trì tập viết đến nỗi cằm in hằn những vết chai. Qua nhiều lần, những nét chữ của em cũng tròn vành, rõ nét trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Lên 6 tuổi, Ngọc xin mẹ đi học. Chị Thoa bất ngờ trước ý định của Ngọc.
Thấy con bệnh tật, vợ chồng chị không đồng ý nhưng nhìn con u buồn, chị lại làm liều đến xin BGH trường cho con được vào học. Ban đầu vì ái ngại với thân hình tật nguyền và căn bệnh Ngọc đang mang trong mình, nhà trường đã không dám nhận. Nhưng trước khát khao của Ngọc, ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý cho em vào theo học. Quá trình học tập, Ngọc đã khiến các thầy cô tại trường kinh ngạc trước sự sáng dạ và tinh thần ham học hỏi của em.
12 tuổi nhưng Bảo Ngọc vẫn mang trong mình hình hài cậu bé tí hon với chiều cao 70cm, em Tường Vy cũng không ngoại lệ. Thời gian đầu đi học, Bảo Ngọc và Tường Vy thường bị bạn trêu chọc là “người ngoài hành tinh”, “đồ đầu to” hay “quái vật”… nhưng 2 em vẫn không hề nản chí, vẫn chuyên cần đến trường đầy đủ.
“Các bạn đùa rồi cũng hết, con buồn nhất là khi nhìn các bạn học môn thể dục hay ra chơi chạy nhảy vui vẻ thôi. Con muốn lắm nhưng mà không được. Nhưng học toán thì con không thua các bạn khác đâu”, Ngọc nói.
Hai em đến trường bằng đôi tay của mẹ. Không kể nắng hay mưa, ngày 8 lượt đi và về, chị Thoa bồng Ngọc đến lớp ngồi ngay ngắn rồi về bế Vy lên, trưa bế từng em về rồi chiều lại tiếp tục. Con vào lớp học, chị Thoa lại tất tả chạy về nhà bán hàng. Mỗi khi Ngọc hay Vy muốn đi vệ sinh, giáo viên trong lớp lại điện mẹ qua để bế em đi. Hình ảnh như thế đã trở nên quen thuộc ở đây trong suốt 6 năm trời.
Do bị xương thủy tinh nên tay chân 2 em rất yếu. Đã rất nhiều lần Ngọc bị gãy tay khi người lạ bế nên bây giờ ngoài bố và mẹ, Ngọc cũng như Vy không dám cho người ngoài bế.
Không phụ công lao của bố mẹ, những năm tiểu học, Ngọc đều là học sinh giỏi của trường và lên lớp 6, Ngọc đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Vy học lớp 1 nhưng cũng thuộc dạng “cừ khôi” ở lớp. Bức tường nhỏ treo đầy giấy khen của 2 anh em là niềm an ủi lớn lao nhất, là động lực để anh Mạnh, chị Thoa tiếp tục gắng gượng.
Cô giáo Trần Thị Như Son, giáo viên chủ nhiệm của Ngọc cho biết, Ngọc học đều tất cả các môn, so với các bạn khác, Ngọc là học sinh khuyết tật nhưng có học lực như vậy là rất khá. Tập thể giáo viên và các bạn học sinh trong trường rất nể phục nghị lực phi thường của 2 anh em Ngọc. Chỉ tiếc một điều là khi học môn thể dục thì em không thể tham gia.
“Tôi chỉ lo là nếu vào học phổ thông trung học, phải đi học xa, không biết mình có theo nổi con không khi ngày 8 lượt đưa đi đón về như thế này. Rồi đến lúc vợ chồng tôi già yếu biết lấy ai chăm sóc cho 2 đứa…”, chị Thoa nói.
(Ảnh: Người Đưa Tin)
Hoàng Kỳ