Liên hoan phim (LHP) tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 9 là sự hội tụ của 22 tác phẩm đến từ nhiều quốc gia châu Âu. Trong đó, phim của hai đạo diễn gốc Việt là Bố Hải và Tạm biệt Hạ Long với chủ đề về quê hương gây chú ý.
Tạm biệt Hạ Long là một tác phẩm của đạo diễn trẻ Ngô Ngọc Đức, có thời lượng dài 98 phút. Bộ phim tài liệu xoay quanh câu chuyện về ông Nguyễn Văn Cường và gia đình sinh sống trên căn nhà thuyền tự chế ở một làng chài trên Vịnh Hạ Long. Hàng ngày, ông kiếm sống bằng nghề thả bè nuôi cá và phục vụ ngành du lịch.
Cuộc sống lênh đênh trên biển bình dị ấy đã trở thành một phần của cả nhà. Họ ngủ, nấu nướng và làm việc trên mặt biển. Cho đến năm 2014, Chính phủ lên kế hoạch chuyển làng chài vào đất liền, gia đình ông Cường phải đối mặt với sự thay đổi lớn. Một tương lai bất định trước mắt buộc ông phải lựa chọn.
Câu chuyện đã được đạo diễn Ngô Ngọc Đức vẽ lên một cách chân thực, có chiều sâu và đầy tính nhân văn.
Ngô Ngọc Đức sinh năm 1988, tại Hà Nội, tới Đức sinh sống từ khi còn nhỏ. Trong thời gian học phổ thông, anh chứng kiến nhiều cảnh khó khăn của các gia đình người nước ngoài tại Đức. Những hình ảnh này đã in sâu vào tâm trí và thôi thúc anh đi theo con đường đạo diễn. Ngay từ khi còn là sinh viên năm 2, Ngô Ngọc Đức đã tự mình viết kịch bản và đi tìm diễn viên để làm phim.
Bộ phim đầu tay của nam đạo diễn trẻ có tên Mất gốc, sản xuất năm 2014 và gây được tiếng vang khi đem đến giới thiệutrong chương trình của MC Unicato nổi tiếng.
Một tác phẩm gây chú ý khác tại LHP Tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 9 là Bố Hải của Dužan Duong. Anh cũng sinh ra tại Thủ đô Hà Nội và cùng gia đình sang CH Czech từ năm 4 tuổi.
Bố Hải bàn về việc duy trì và truyền tải văn hóa trong nhiều gia đình người Việt ở CH Czech khi đang tồn tại khoảng cách lớn giữa các thế hệ.
Tại đây, những người Việt Nam đã đến châu Âu vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước để lập nghiệp vẫn giữ nề nếp Việt thì thế hệ tiếp theo là con cái họ có thể nói tiếng Czech một cách trơn tru nhưng lại dần mất đi sợi dây liên kết tình cảm và văn hóa với cha mẹ mình. Bộ phim giúp khán giả có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống gia đình của những người con xa xứ.
LHP Tài liệu Châu Âu – Việt Nam là một sự kiện văn hóa đặc biệt được tổ chức thường niên nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và quốc tế, diễn ra lần đầu tiên vào năm 2009. Sự kiện do EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước Châu Âu) phối hợp với Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức. LHP diễn ra đồng thời tại Hà Nội và Tp. HCM trong thời gian từ ngày 8/6-17/6. Tại đây, BTC sẽ giới thiệu tới khán giả 22 tác phẩm phim tài liệu đặc sắc của 12 quốc gia gồm Áo, Bỉ, Pháp, Anh, Đan Mạch, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech và Việt Nam. Các phim được giới thiệu tại LHP lần này gồm: Ingmar Bergman trong con mắt biên đạo múa; Lịch sử thủy tinh và pha lê vùng Wallonie; John Cockerill, một huyền thoại; Lớp học hy vọng; Những đứa trẻ may mắn; Mưa axit; Gắn kết; Khát vọng người; Sân khấu của những niềm hy vọng; Lê Bá Đảng – Từ Bích La đến Paris; Nhà soạn nhạc Karl Schiske và thế hệ kế cận; Nhớ biển; Tạm biệt Hạ Long; Tâm tình của gốm… |
Yến Yến