Việc Triều Tiên tái thiết nền kinh tế sẽ kích cầu cho các công ty Hàn Quốc thuộc lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.
 

Theo CNBC, việc Triều Tiên có thể tiêu tốn hàng tỷ USD để xây dựng lại nền kinh tế đều nằm trong dự liệu của các chuyên gia kinh tế. Nhưng Hàn Quốc sẽ sẵn sàng đầu tư bao nhiêu và được hưởng lợi bao nhiêu từ tiềm năng kinh tế của Triều Tiên thì không ai có thể đoán trước.

Trong cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mới đây, trọng tâm thảo luận đã hướng tới việc có thể xây dựng lại nền kinh tế bị cô lập của Triều Tiên hay không.

Nhưng việc tái thiết một quốc gia đã bị cấm vận quá lâu và phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc là điều không hề dễ dàng.

Các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế tại Citigroup ước tính chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng của Bình Nhưỡng có thể lên tới 63,1 tỷ USD.

“Nếu các hội nghị gần đây có thể mang đến kết quả là mở cửa nền kinh tế Triều Tiên, chúng tôi ước tính sẽ cần 63,1 tỷ USD trong dài hạn để xây dựng lại giao thông và cơ sở hạ tầng gồm đường sắt, đường bộ, sân bay, cảng biển, nhà máy điện, mỏ, các nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn khí của nước này”, các nhà phân tích của Citi đánh giá.

Cụ thể, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên sẽ vào rơi khoảng 24,1 tỷ USD cho 28 dự án đường sắt, 22,8 tỷ USD cho 33 dự án đường bộ và khoảng 10 tỷ USD cho 16 dự án nhà máy điện. Chi phí tức thì để thực hiện các dự án xây dựng lại sẽ là 11,6 tỷ USD, các nhà phân tích cho biết thêm.

Lý do khiến Triều Tiên cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng là do sự cô lập và lệnh trừng phạt kinh tế đã hạn chế thương mại và đầu tư nước ngoài vào nước này.

Hơn nữa, quốc gia này trước đây cũng dành rất ít chi phí cho cơ sở hạ tầng, thay vào đó bỏ tiền chi tiêu cho quân sự. Theo số liệu được báo cáo, Triều Tiên là nước có tỷ lệ chi tiêu quân sự cao nhất trên thế giới, khoảng 23% GDP trong giai đoạn 2005-2015.

Hiện nay, Hàn Quốc muốn tạo ra các liên kết hòa bình với “người anh em” đã bị chia cắt từ sau Chiến tranh Thế giới II. Tuy nhiên, con đường dẫn đến thống nhất vẫn không rõ ràng và đầy chướng ngại.

Trên phương diện toàn cầu, các mối quan hệ hiện nay đang dần được cải thiện. Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim gần đây đã thông báo rằng nền kinh tế Triều Tiên có thể được tiếp cận với nền kinh tế toàn cầu nếu nước này cam kết không sử dụng bom hạt nhân. Khi Bình Nhưỡng bình thường hóa quan hệ với các nước trên thế giới, sẽ có nhiều quốc gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng của nước này và sẽ làm giảm chi phí tái thiết về lâu dài.

Việc xây dựng lại Triều Tiên sẽ có tác động đến các nước láng giềng bao gồm cả Hàn Quốc. Trong ngắn hạn, việc tái thiết sẽ kích cầu cho các công ty Hàn Quốc, đặc biệt là những công ty thuộc lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.

Về trung hạn, Hàn Quốc có thể sử dụng cơ sở hạ tầng được cải thiện để khám phá các cơ hội như thăm dò khai thác mỏ ở miền bắc.

Các nhà phân tích cũng cho biết Hàn Quốc có thể giúp tài trợ cho việc tái thiết của Triều Tiên bằng cách sử dụng các nguồn lực công cộng, bao gồm các ngân hàng chính sách nhà nước và quỹ đa phương.

“Nếu các dự án tức thì (11,6 tỷ USD) được hoàn thành trong vòng 1 năm và các công ty Hàn Quốc chiếm 60% trong việc xây dựng, chúng tôi ước tính tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ chỉ tăng 0,07%. Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn đó là sẽ tăng được niềm tin trong chính trị hai nước. Đó chính là giá trị thực”, các nhà phân tích của Citi khẳng định.

Kiều Ngọc