Triều Tiên và Hàn Quốc đã bắt đầu đàm phán về việc nối lại các tuyến đường sắt chạy xuyên biên giới hai nước vào ngày 26/6. Đây được cho là công trình có thể tạo nên sự thay đổi tích cực cho mối quan hệ cũng như sự phát triển kinh tế của hai miền bán đảo.
Cuộc thảo luận đã diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu vực phi quân sự (DMZ) giữa biên giới hai nước. Cuộc gặp này đánh dấu lần đầu tiên trong 10 năm hai miền Triều Tiên tổ chức đàm phán về hợp tác đường sắt.
Nội dung đàm phán tập trung vào việc kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt chạy xuyên biên giới liên Triều tại các khu vực phía đông và tây bán đảo Triều Tiên.
Tuyến đường sắt xuyên quốc gia đã được Nhật Bản thiết kế và xây dựng từ những năm 1900, từ rất lâu trước khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ và hàng thập kỉ chia cách giữa hai miền.
Tại khu vực phía tây, hai miền Triều Tiên đã có những tuyến đường sắt kết nối thủ đô Seoul với Thành phố Sinuiju tại biên giới phía tây bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, những tuyến đường này cần được hiện đại hóa để phục vụ các hoạt động phù hợp.
Dự kiến, Seoul và Bình Nhưỡng cũng sẽ thảo luận việc kết nối các tuyến đường sắt tại khu vực phía đông chạy qua biên giới liên Triều.
Việc kết nối hai hệ thống và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đã xuống cấp của phía Triều Tiên sẽ tạo điều kiện mở rộng tuyến đường giao thương trên đất liền với các thị trường Trung Quốc, Nga và xa hơn nữa là châu Âu.
Bên cạnh đó, đường sắt này sẽ thể hiện sự thay đổi mang tính căn bản trên bán đảo, bởi từ sau hiệp ước đình chiến năm 1953 các đường dây liên lạc dân sự trực tiếp đã bị cắt đứt hoàn toàn.
Tình hình bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu ấm lên, đặc biệt sau cuộc gặp giữa thành công giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un với cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó, ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in đã đồng ý “tiến hành những bước đi thiết thực để nối lại tuyến đường sắt” trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 4 vừa qua.
Ông Moon cũng bày tỏ ý định nối tuyến đường sắt xuyên bán đảo với tuyến đường qua Siberia, tạo cầu nối tới châu Âu. Theo tổng thống Hàn Quốc, việc này sẽ đem lại “nguồn lợi kinh tế khổng lồ” cho cả Seoul, Bình Nhưỡng và Moscow.
Kiều Ngọc