Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được vô tư chào bán trên khắp các mạng xã hội, thản nhiên bày bán trên khắp các tuyến phố, các chợ và thậm chí là trong cả các siêu thị và trung tâm thương mại.
“Vụ nổ” Khaisilk đã khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại, hóa ra chuyện hàng giả hàng nhái chẳng phải là cá biệt trên thị trường.
Trên thực tế, hầu như ngày nào cũng phát hiện những vụ kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Có những thời điểm, chỉ trong một tuần các cơ quan chức năng phát hiện ra hàng nghìn vụ vi phạm thương mại về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, nhưng những con số ấy vẫn chưa thấm vào đâu.
Có thể nhìn thấy hàng giả, hàng nhái ở đủ khắp các ngành hàng, từ gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang đến xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước kêu trời vì hầu như tất cả mọi loại hàng hóa họ sản xuất ra chỉ một thời gian sau sẽ xuất hiện những sản phẩm nhái nhãn hiệu tương tự.
Chủ một cơ sở sản xuất khăn ăn và giấy vệ sinh ở Bắc Ninh chia sẻ doanh nghiệp này đã mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vì bị nhái nhãn hiệu, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào để giải quyết triệt để.
Người tiêu dùng nhắm mắt chi tiền, cơ quan chức năng “mắt nhắm mắt mở”
Câu chuyện về “trách nhiệm” dường như không còn quá mới mẻ.
Người dân đổ lỗi cho các cơ quan chức năng không đủ năng lực để xóa bỏ các cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng không ngừng tuyên truyền thông tin yêu cầu “người tiêu dùng cần phải thông minh” hơn trong việc mua sắm. Tuy nhiên, trước hiện trạng ma trận hàng giả, hàng nhái tràn lan như vậy, người tiêu dùng không biết phải “thông minh” như thế nào mới tránh được các sản phẩm kém chất lượng.
Thực tế, đôi khi người tiêu dùng chính là những người tiếp tay “tích cực” cho vấn đề hàng giả tràn lan trên thị trường. Chưa nói đến việc người tiêu dùng không đủ “thông minh” để phân biệt đâu là hàng thật, hàng nhái, nhiều người mặc dù biết mười mươi mặt hàng đó là nhái vẫn “nhắm mắt, đưa tiền” bởi sự chênh lệch giá trị của hàng thật và nhái khác nhau quá xa.
Cũng có trường hợp những người tiêu dùng thực sự không biết các sản phẩm mình mua là “hàng nhái”, bởi họ hoàn toàn không có kiến thức về thương hiệu, họ chỉ mua các sản phẩm theo cảm tính và túi tiền.
Nhiều người cho biết mặc dù biết được việc mua các sản phẩm trên là “tiếp tay” cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác, bởi lẽ không mua những mặt hàng đó thì họ không biết mua gì, bởi các sản phẩm hàng thật, chính hãng thì giá cả quá cao, khó tiếp cận.
Cả nước có khoảng 5 lực lượng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn cãi.
Bên cạnh thủ đoạn sản xuất, buôn bán của những kẻ kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, còn phải nhắc tới thái độ “làm ngơ” của nhiều cơ quan chức năng đối với cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái.
Một người tiêu dùng thông thường cũng không khó để có thể phát hiện ra những món hàng “giả thương hiệu” vẫn bày nhan nhản trong các của hàng, các chợ hay các siêu thị, nhưng vì sao các ban quản lý chợ, cơ quan quản lý thị trường không phát hiện ra?
Giải pháp thuộc về nhiều bên
Để có thể giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay, cần có sự chung tay của rất nhiều tầng lớp trong xã hội.
Bên cạnh việc nêu cao khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” hay “nói không với hàng giả, hàng nhái”, các doanh nghiệp trong nước cũng cần có những cải tiến mới về chất lượng, mẫu mã cũng như giá thành của sản phẩm, nhằm đưa các sản phẩm Việt có thể dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, cần tự nâng cao kiến thức của mình, chọn mua các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để không cổ súy cho gian lận.
Các cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt hơn giải quyết triệt để vấn đề này, trong đó cần có sự chung tay của công an, hải quan, quản lý thị trường, cục sở hữu trí tuệ, và đại diện chính quyền địa phương.
Thu Nguyễn