Ngày 7/11, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam đã diễn ra tại Đà Nẵng với chủ đề “Cơ hội kinh doanh: Tại sao là Việt Nam?”
Tại hội nghị này, đại diện PricewaterhouseCoopers (PwC) – một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, nhận định lao động giá rẻ tuy không phải yếu tố bền vững nhưng vẫn là một trong 3 động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện nay.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng có 3 yếu tố cơ bản là động lực tăng trưởng của Việt Nam.
Thứ nhất là nhân lực trẻ dồi dào với 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động hàng năm. Đây là tiềm năng lớn phục vụ cho sự phát triển không phải quốc gia nào cũng có được.
Thứ hai là sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua phụ thuộc vào lực lượng lao động “rẻ”. Bà Vân nhận định trong 5-10 năm nữa, chi phí lao động vẫn là một yếu tố cạnh tranh, nhưng đây không phải yếu tố bền vững mà cần chuyển dịch, giảm dần.
Hiện Việt Nam đang đầu tư khá cao vào lĩnh vực đào tạo, và theo bà Vân, lĩnh vực đào tạo cần tiếp tục đầu tư bởi đây là yếu tố cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
“Điều đáng mừng là 50% sản phẩm Samsung S8 và Note 8 được sản xuất ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư mang công nghệ cao vào Việt Nam không chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài mà còn cả nhà đầu tư trong nước, như tham vọng xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của tập đoàn Vingroup”, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết.
Thứ ba là các chính sách và hỗ trợ của phía chính phủ. Việt Nam có lợi thế khi nền chính trị ổn định và chính phủ cam kết môi trường kinh doanh thông thoáng, hiệu quả.
Với các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam, vị chuyên gia của PwC chỉ ra 5 lĩnh vực lợi thế có tiềm năng phát triển?
Đầu tiên là ngành ICT bởi lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam không thua các nước khác. Năm 2016, tổng doanh thu từ ICT là hơn 59 tỷ USD. Hạ tầng công nghệ thông tin đã được xây dựng rất mạnh. Cùng đó, Việt Nam có 40.000 sinh viên IT tốt nghiệp hàng năm và đang tiếp tục tăng những năm gần đây. Chi phí đào tạo ngành IT tại Việt Nam cũng ở mức cạnh tranh so với khu vực. Thực tế là năm 2016, Việt Nam cũng đã vượt qua Trung Quốc thực hiện outsourcing phần mềm cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngành năng lượng cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam cao nhưng vẫn chủ yếu từ nhiệt điện, thủy điện trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 5,7%. Tiềm năng về sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió rất lớn nhưng chưa được khai thác.
Một ngành khác được PwC nhắc tới là du lịch – ngành công nghiệp không khói với giá trị gia tăng cao. Ngành du lịch đã tăng trưởng 20% mỗi năm. Doanh thu năm 2017 dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, lĩnh vực cụ thể mà PWC đề cập tới trong ngành du lịch là mảng kinh doanh khách sạn 4-5 sao. Nhu cầu về khách sạn 4-5 sao vẫn còn lớn không chỉ tại các thành phố mà còn ở các điểm du lịch.
Lĩnh vực lợi thế thứ tư là nông nghiệp. Ngành nông nghiệp và chế biến dù đóng góp lớn vào GDP nhưng hiện vẫn còn lạc hậu. Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp Việt Nam để nâng cao giá trị do đó là mảng đầu tư tiềm năng.
Một lĩnh vực khác mà vị chuyên gia PwC cho rằng cũng rất tiềm năng để đầu tư là ngân hàng bán lẻ. Mặc dù hạ tầng thông tin phát triển nhưng phần lớn vẫn giao dịch hiện vẫn bằng tiền mặt với chỉ 31% người dân có tài khoản ngân hàng và 5% có thẻ tín dụng. Với sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, PwC nhận định đây là điều kiện thuận lợi phát triển thị trường này.
Theo đại diện của PwC, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các quốc gia có tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ năm 2016-2050.
PwC dự báo, vào năm 2050, Việt Nam có thể lọt vào danh sách 20 nền kinh tế đứng đầu trên thế giới và 10 nền kinh tế đứng đầu châu Á (dựa trên GDP tính theo sức mua tương đương – PPP).
PricewaterhouseCoopers là một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay bên cạnh các tên tuổi khác là Deloitte, Ernst & Young và KPMG.
Quang Minh (th)