Với ưu điểm vay nhanh, vay dễ, hàng nghìn người vẫn nộp đơn xin vay tiền qua mạng internet bất chấp cạm bẫy lãi suất lên đến hơn 700%/năm.
Theo VietnamFinance, mô hình cho vay ngang hàng (P2P) xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 2015. Đến nay, đã có hàng chục sàn cho vay ra đời và hoạt động rầm rộ trên mạng Internet.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy khoảng 79% người dân Việt Nam không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Chính vì vậy, Việt Nam được coi là mảnh đất “màu mỡ” cho lĩnh vực cho vay P2P phát triển.
Chia sẻ trên Người lao động, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết có doanh nghiệp cho vay theo mô hình P2P ở Việt Nam chỉ mới thành lập từ cuối năm 2017, nhưng mỗi ngày có tới 2.000 đơn xin vay.
Thực tế, mô hình cho vay này đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Riêng tại Trung Quốc, dư nợ cho vay trực tuyến tính đến cuối năm 2017 vào khoảng 30-40 tỷ USD, với hơn 6.000 công ty. Tuy nhiên, do mô hình này bị biến tướng nên các cơ quan chức năng Trung Quốc đã siết chặt chính sách quản lý khiến số lượng các công ty cho vay ngang hàng hiện giảm xuống còn khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Nói về mặt tích cực của mô hình cho vay trực tuyến, TS. Cấn Văn Lực cho biết: Trong nền kinh tế luôn tồn tại nhu cầu vay và cho vay. Nhờ sự phát triển công nghệ, những người vay và cho vay có thế kết nối với nhau mà không cần thông qua các định chế tài chính trung gian, không cần chi nhánh hay trụ sở, giúp thời gian giải ngân được đẩy nhanh.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng theo ông Lực, hình thức này đang bị biến tướng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ sở pháp lý để quản lý mô hình cho vay này nên các công ty, nhà đầu tư cho vay xong sẽ dùng nhiều biện pháp để đòi nợ, bao gồm cả thuê xã hội đen. Một số công ty cho vay trực tuyến lợi dụng hình thức cho vay này rồi đưa thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay lên đến 720%/năm.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn trực tuyến rất lớn, nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng nên rủi ro sẽ cho cả bên đi vay lẫn người cho vay. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào mô hình này càng rủi ro hơn.
Trong khi đó, chia sẻ trên Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, cho rằng về bản chất cho vay tiền trực tuyến không xấu bởi nó giúp cho bên cho vay cũng như bên đi vay tìm được nhau nhanh chóng hơn, giúp gỡ bỏ được những rào cản còn tồn tại trong hoạt động cho vay truyền thống tại các tổ chức tín dụng như thủ tục rườm rà, thời gian giải ngân, thời gian thẩm định… và đang trở thành xu hướng toàn cầu.
Tuy nhiên, chính ưu điểm về thủ tục cho vay đơn giản lại trở thành con dao hai lưỡi. Khi mọi hoạt động đều chỉ diễn ra qua một vài thao tác đơn giản qua nền tảng công nghệ, tính xác thực về thông tin các bên, mục đích vay, tính ràng buộc trách nhiệm giữa các bên cũng rất mơ hồ. Chính điều này đã khiến loại hình cho vay trực tuyến siêu nhanh có nhiều biến tướng như lãi suất cao ngất ngưởng, đồng thời gây rủi ro lớn cho cả người vay lẫn người cho vay khi phía môi giới có mục đích xấu.
(Tổng hợp)