Người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng hàng nhập khẩu, đặc biệt hàng hóa đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng lại e dè hơn khi lựa chọn hàng Trung Quốc và niềm tin có phần lung lay với chính sản phẩm nội địa.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong kết quả khảo sát Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2018 được công bố vào ngày 30/1 tại Tp.HCM.
Tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường xuyên mua sản phẩm trong nước đã giảm mạnh so với kết quả đợt khảo sát năm 2017 với mức tương ứng 27% và 32%, theo Tuổi trẻ.
Thay vào đó, người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng hàng nhập khẩu đặc biệt hàng hóa đến từ 3 nước Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu như kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy sản phẩm nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng thường mua chỉ dưới 3%, đến nay đã tăng lên 8%-10%. Thậm chí, có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ mua dùng 12%-17%, theo Pháp luật Tp.HCM.
Có nhiều nguyên nhân khiến hàng hóa từ 3 nước kể trên được lòng người tiêu dùng Việt. Lý do đầu tiên chính là vì niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt có phần bị lung lay do hiện tượng làm ăn không minh bạch của doanh nghiệp Việt, hàng kém chất lượng, hàng nhái có xu hướng gia tăng.
Thứ hai, các doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tận dụng tốt tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, những doanh nghiệp này còn tận dụng được tâm lý thận trọng trong việc lựa chọn của dân Việt khi ngày càng nhiều người e dè, tẩy chay hàng Trung Quốc (tỷ lệ yêu thích chỉ 0,6%), bởi nhiều tai tiếng về chất lượng và sự an toàn.
Ngoài ra, phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ của doanh nghiệp Thái, Nhật, Hàn. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, các tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đang thể hiện rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam bằng cách thâu tóm các hệ thống bán lẻ lớn của doanh nghiệp trong nước nhằm gia tăng thị phần cho sản phẩm.
Đơn cử như Central Group (Thái Lan) đã thâu tóm BigC với hệ thống 32 siêu thị khắp cả nước, đồng thời cũng nắm 49% cổ phần Nguyễn Kim. Trong khi đó, Hàn Quốc có Lotte có 14 siêu thị, hệ thống Emart và mới đây nhất là GS25 hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim.
Kết quả khảo sát còn cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng tăng cường mua sắm trực tuyến. Trong đó các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị đồ điện tử, văn phòng phẩm, các mặt hàng thời trang người tiêu dùng chọn mua online với tỷ lệ từ 10-30%.
Nguyễn Trang