Hơn 90% tài xế xếp hàng ở công viên Khánh Hội (Quận 4, Tp.HCM) đợi đăng ký chạy xe ôm công nghệ Go-Viet là tài xế đang chạy cho GrabBike.
Theo Lao động, sáng ngày 14/8, hàng trăm tài xế GrabBike ùn ùn kéo đến công viên Khánh Hội để đăng ký Go-Viet.
Nguyên nhân chính khiến tài xế GrabBike “dứt áo ra đi”, đầu quân cho Go-Viet là hãng này đang áp dụng nhiều chính sách “chăm sóc” tài xế như phát đồng phục miễn phí, hỗ trợ mỗi cuốc chạy xe từ 25.000 đồng và mức chiết khấu chỉ có 10%.
Anh D., một tài xế GrabBike, cho biết sỡ dĩ anh bỏ Grab là bởi hãng này bắt mua đồng phục hàng trăm nghìn đồng, chiết khấu lên đến hơn 20%, và đặc biệt là đối xử độc tài với tài xế khi đơn phương khóa tài khoản mà không để cho người bị khóa giải trình. Chính vì vậy, khi Go-Viet thành lập, nhiều tài xế đã “cạch” Grab rủ nhau kéo sang Go-Viet đăng ký.
Theo một tài xế khác của GrabBike, mỗi ngày có hơn 500 tài xế đến đăng ký chạy cho Go-Viet. Phần lớn trong số này đang là tài xế chạy GrabBike.
Cũng theo tài xế này, anh mới chạy cho Go-Viet một ngày đã kiếm được 800.000 đồng, trong khi cùng thời gian chạy cho Grab kiếm được chưa tới 500.000 đồng. Tài xế này cho biết Go-Viet miễn phí hoa hồng cho tài xế tới 6 tháng và sau thời gian đó, chiết khấu cũng chỉ có 10%.
Chính thức vận hành ở Tp.HCM từ đầu tháng 8, Go-Viet đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cánh tài xế và người dùng với chương trình khuyến mại 5.000 đồng cho mỗi chuyến xe dưới 8 km, rẻ hơn vé xe bus. Nhiều nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên biết được giá cước rẻ của Go-Viet nên cũng chuyển sang đặt xe của hãng này.
Ngoài Grab và Go-Viet, trên thị trường đang có sự góp mặt của hàng loạt ứng dụng gọi xe 2 bánh như Mai Linh Bike, Vato, Aber và gần đây nhất là FastGo. Mỗi hãng đều có những chiêu thu hút tài xế riêng.
Đơn cử như Aber, để tránh nỗi “ám ảnh” về tỷ lệ ăn chia hoa hồng cho tài xế, hãng chọn hình thức thu phí dịch vụ cố định.
Vnexpress dẫn lời lãnh đạo Aber cho biết: “Chúng tôi không áp dụng mức chiết khấu cho từng cuốc xe của tài xế. Thay vào đó, Aber sẽ tính phí quản lý ứng dụng cố định, tương ứng tổng thu nhập hàng tháng của tài xế. Mức phí này được trừ mỗi tháng”.
Không chỉ cạnh tranh khách hàng, cạnh tranh về số lượng tài xế cũng đang là quyết định sống còn với các ứng dụng gọi xe bởi nó quyết định đến độ phổ biến ở các địa điểm xa, độ nhanh khi khách hàng đặt xe và khả năng quảng bá thương hiệu trên đường phố.
Go-Viet được hình thành bởi hãng Go-Jek của Indonesia và được coi là thay thế Uber để cạnh tranh với Grab. Go-Jek hiện có thị phần lớn nhất tại Indonesia với hơn 1 triệu tài xế nước này tham gia.
Trước đó, Go-Jek cho hay sẽ đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Với thế mạnh về tiềm lực tài chính, Go-Viet được đánh giá có đủ khả năng để giảm giá mạnh và sâu, hấp dẫn lượng lớn khách hàng và tài xế, nhằm đấu lại Grab, đồng thời có thể đẩy các startup Việt khác… ra rìa.
Vỹ An