Người tiêu dùng chưa hết bất ngờ với khăn lụa “made in China” thương hiệu Khaisilk, nay lại phải bàng hoàng trước “nông sản Đà Lạt” nhưng không rõ nguồn gốc.
Vào sáng ngày 31/10, tại số nhà 66E/2 Hồ Tùng Mậu (phường 3, TP Đà Lạt), Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt quả tang cơ sở kinh doanh buôn bán hàng đặc sản do ông Từ Bộ Lĩnh (sinh năm 1967) làm chủ đang đóng gói hàng có nhãn mác đặc sản Đà Lạt.
Lực lượng cảnh sát cho biết toàn bộ số hàng hóa nói trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ liên quan.
Tại cơ sở này, công an đã phát hiện có trên 100 thùng sản phẩm là các mặt hàng rau, củ, quả sấy có tổng trọng lượng khoảng một tấn được chất đống trong các nhà kho.
Trong kho còn có máy đóng gói sản phẩm cùng hàng ngàn nhãn mác ghi dòng chữ “Đặc sản Đà Lạt”.
Bước đầu, ông Lĩnh cho biết toàn bộ số hàng trên được các cơ sở cung ứng từ các địa phương như Đồng Nai, Hải Dương, TP.HCM và Hà Nội mang tới.
Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, ông Lĩnh vẫn chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa trên.
Cũng tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều sản phẩm dán nhãn “Đặc sản Đà Lạt” được đóng gói ngày sản xuất là tháng 11/2017 dù thời điểm điểm tra mới là ngày 31/10.
Các giấy tờ của các cơ sở cung ứng được ông Lĩnh cung cấp cho cơ quan chức năng cũng đã hết hạn.
Nếu đặt sự “nhập nhằng” trong nguồn gốc của loạt “nông sản Đà Lạt” này lên bàn cân với sự “gian dối” về nguồn gốc của những chiếc khăn lụa Khaisilk (cũng như so sánh 2 hình thức kỷ luật tương ứng với 2 sự việc) thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với doanh nhân Hoàng Khải.
Vậy, nếu cơ quan chức năng đã có sự sốt sắng với những gian dối của doanh nhân Hoàng Khải trong việc kinh doanh thì cũng nên sử dụng “bàn tay sắt” với những cơ sở sản xuất, những tiểu thương coi thường quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Bởi một chiếc khăn lụa hàng Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng như những mặt hàng thực phẩm.
Thanh Tùng