Hàng nghìn ha hồ tiêu tại huyện Đắk Song – thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông – đang bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Mùa màng thất bát, nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ nhà cửa đi biệt xứ.
Theo Dân Việt, 5 năm trước, thấy giá hồ tiêu cao ngất, ông Thu ở thôn Đăk Kual 5 (xã Đăk N’Drung, huyện Đăk Song) đã phá bỏ cà phê để trồng 1.400 trụ hồ tiêu. Để có vốn đầu tư, ông Thu thế chấp sổ đỏ, vay ngân hàng 250 triệu đồng. Năm ngoái, hồ tiêu cho thu bói thì giá bắt đầu lao dốc. Vận đen tiếp tục đeo bám ông Thu khi năm nay vườn tiêu bắt đầu cho thu hoạch chính thì lại đổ bệnh, chết hàng loạt.
Từ thời điểm tiêu có hiện tượng vàng lá và chết chỉ diễn ra trong khoảng một tuần khiến gia đình ông Thu không kịp trở tay. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đã tiêu tan.
Gần nhà ông Thu, hơn 1.700 trụ tiêu đang kinh doanh của ông Hương cũng chết khô. Vợ ông Hương cho biết, khi thấy vườn tiêu vàng lá, bà đã mời kỹ sư về tư vấn rồi bỏ gần 50 triệu đồng mua thuốc về chữa. Tuy nhiên, kết quả là cả vườn tiêu vẫn chết sạch chỉ trong chừng một tháng. Gần 1 tỷ đồng mà gia đình ông Hương đầu tư trồng tiêu giờ mất trắng.
Theo lãnh đạo thôn Đăk Kual 5, tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt đã khiến 3 gia đình trong thôn phải bỏ nhà đi biệt tích vì nợ nần, hàng trăm gia đình khác đang đứng trước nguy cơ trắng tay khi diện tích tiêu nhiễm bệnh rồi chết tiếp tục tăng.
Ngoài Đăk N’Rung, tại các xã khác của huyện Đăk Song như Thuận Hạnh, Nâm N’Jang, Trường Xuân, Thuận Hà cũng có hàng trăm ha tiêu đang nhiễm bệnh và chết.
Chia sẻ trên Dân trí, anh Bằng tại thôn Thuận Nghĩa (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) cho biết vườn tiêu rộng gần 8 ha của gia đình anh cũng bị nhiễm bệnh vàng lá rồi chết, bất chấp những nỗ lực cứu chữa. Anh Bằng buộc phải nhổ trụ lên chờ… thanh lý, và trồng khoai lang, củ cải để vớt vát.
Theo anh Bằng, lúc đầu hồ tiêu giống như bị cháy lá bình thường. Sau đó một, hai ngày, hồ tiêu dần dần rụng lá, cành, rồi chết. Đặc biệt, bệnh này có mua thuốc về chữa cũng không khỏi.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Song cho biết, thống kê đến cuối tháng 9, toàn huyện có hơn 200 ha tiêu chết, 130 ha đang nhiễm bệnh nặng không thể cứu chữa và gần 1.700 ha tiêu đang bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, đây là con số chưa chính xác vì diện tích hồ tiêu chết và nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng. Cũng theo vị này, tình trạng tiêu chết và nhiễm bệnh xuất hiện từ khoảng cuối tháng 6, khi mùa mưa kết thúc.
Theo một số chuyên gia, mưa nhiều khiến cây tiêu bị nhiễm nấm (Phytophthora sp, Pythium…), vi khuẩn và úng nước. Bên cạnh đó, trong canh tác, nhiều bà con lạm dụng các loại phân bón không phù hợp, thuốc bảo vệ thực vật không đúng theo khuyến cáo của ngành chức năng.
(Tổng hợp)