Đại Kỷ Nguyên

Hoa quả nhập ngoại: Đắt chưa chắc đã xắt ra miếng

Hoa quả nhập khẩu được bày bán tràn ngập trên thị trường.(Ảnh Vietnamnet)

Một vài năm nay, thị trường hoa quả Việt Nam ngày càng trở nên phong phú đa dạng với sự góp mặt của các loại trái cây ngoại. Đặc biệt khi làn sóng tẩy chay rau quả Trung Quốc tẩm hóa chất thì trái cây ngoại lại càng có cơ hội mở rộng thị phần dù giá rất cao so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, cũng chính vì đắt tiền nên khi có hàng hạ giá người tiêu dùng tranh nhau mua, bất kể chúng đã héo, nẫu.

Bên cạnh những trái cây thông dụng như táo, cam, dưa thì hiện hoa quả ngoại xuât hiện ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Riêng táo đã đến gần chục loại, nho cũng dăm bảy nguồn, dưa có loại xuất xứ Mỹ, có nơi bán hàng nhập Hàn, Nhật, Úc và cả Trung Quốc nội địa, cam xanh, cam vàng, đỏ cũng rất phong phú. Ngoài ra là các mặt hàng hiếm như cherry, mận, kiwi, blueberry, dâu tây Hàn… Không chỉ “ngợp” về chủng loại mà người tiêu dùng còn hoa mắt bởi giá.

Hoa quả nhập loạn về giá 

Tại siêu thị Big C Thăng Long, trái cây nhập khẩu có giá rẻ giật mình so với các siêu thị khác, cũng như các cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu. Táo Gala Newzeland chỉ có giá 49.900 đồng/kg; táo Golden Delicious xuất xứ Pháp chỉ 39.900 đồng/kg; táo Fuji Pháp chỉ có giá 45.900 đồng/kg; lê Nam Phi giá 79.900 đồng/kg; táo Gala Mỹ có giá 69.900 đồng/kg…Không chỉ táo mà một số loại quả khác như kiwi, nho… cũng được bày bán rất nhiều, với mức giá chỉ từ 50.000- 100.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tại các cửa hàng hoa quả nhập khẩu, các loại trái cây trên có giá cao gấp 3-4 lần. Cùng loại táo Fuji Mỹ nhưng ở cửa hàng nhập khẩu có giá lên tới 200.000 đồng/kg; táo Golden Delicious 179.000 đồng/kg; táo Gala Mỹ 129.000 đồng/kg.

Lý giải về việc giá trái cây nhập khẩu chênh nhau khá lớn giữa siêu thị và cửa hàng hoa quả, chủ một cửa hàng hoa quả nhập khẩu ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, ngay tại thị trường các nước xuất khẩu trái cây như Pháp, Mỹ, Úc… giá cả các loại trái cây cũng có những chênh lệch gấp nhiều lần. Cùng một loại táo nhưng chất lượng khác nhau nên mức giá khác nhau.

Đó là còn chưa kể thị trường “ngách” thường được gọi là “hàng xách tay”. Ở phân khúc này thì giá thực sự loạn. Cùng một mặt hàng xuất xứ nhưng giá có thể chênh đến nhiều chục nghìn đồng. Khi khách hàng thắc mắc thì người bán thường giải thích là hàng xịn không pha, đảm bảo nguồn gốc và tươi mới.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng đã có nhiều bài kêu ca bỏ tiền mua hàng đắt nhưng nhận về vẫn lẫn hàng xấu hàng hỏng, thậm chí có bài viết phản ánh trái cây được rao bán là hàng nhập nhưng thực chất là hàng Trung Quốc, nhặt trên chợ đầu mối và giá được đẩy cao gấp 7-10 lần.

Trái cây hỏng vẫn hút khách 

Chị Phan Diệu Thư, một nhân viên văn phòng, vừa đặt mua một thùng táo Hàn Quốc 10kg giá chỉ 150.000 đồng, tức 15.000 đồng/kg. Lô táo Fuji Hàn Quốc này có giá bằng 1/5 giá trên thị trường và được giới thiệu là hơi héo nên cửa hàng thanh lý.

Không chỉ săn mua táo, chị Thư còn hay mua nho Hàn héo cuống, dưa Hàn sứt vỏ. Theo chị, trong số các loại quả này, chị thấy hời nhất là mua được nho Kyoho Hàn với giá chỉ 75.000 đồng/kg (giá nho cuống tươi là 320.000 đồng/kg). Bởi, nho này chỉ có cuống là hơi héo, còn chất lượng quả hoàn toàn bình thường.

Dưa Hàn sứt vỏ, giá cũng chỉ 45.000 đồng/kg, trong khi dưa Hàn không bị lỗi lên tới 200.000 đồng/kg. “Đa phần dưa sứt vỏ về chỉ cần gọt sâu một chút là ăn bình thường, thậm chí có quả dưa vỏ chỉ bị sứt bằng đầu móng tay, cầm lên nếu không để ý còn không biết là lỗi” – chị Thư hào hứng kể.

Trao đổi với báo chí, anh Vũ Ngọc Nam, quản lý một chuỗi cửa hàng hoa quả nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, sau mỗi lần nhập hoặc dọn kho, các mặt hàng hoa quả bị lỗi do vận chuyển lọc ra đến đâu thanh lý đến đó. Thậm chí, nhiều khi lượng khách đặt mua còn lớn gấp 3-4 lần lượng hoa quả lỗi có bán.  Anh Nam kể thêm, các loại hoa quả nhập ngoại thường có giá đắt đỏ nên hàng bán ra phải đảm bảo chuẩn xịn, chất lượng đồng đều.

Mới đây trên báo chí cũng như mạng xã hội có ồn ào vụ nho ngoại được bán siêu rẻ, khi mua về bị mốc, nẫu. Thực chất đây là hàng hết date được các cửa hàng “tẩy kho” và nhiều người mua lại và rao bán hưởng giá chênh lệch vẫn bởi mác hàng ngoại giá cao. Hay những vụ gây rúng động với việc rau củ quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt, hàng Úc, bởi cách ghi tên sản phẩm nhập nhèm trong xuất xứ và nguồn gốc tại một số cửa hàng và hệ thống siêu thị.

Quả thật, khi thị trường phát triển quá nhanh thì người tiêu dùng càng rất dễ rơi vào “mê cung” hàng hóa. Nếu không có những chính sách, chế tài quản lý thật tỉ mỉ và nghiêm túc thì người tiêu dùng vẫn mãi không thể đạt đủ “thông minh” như lời khuyên của những chuyên gia tiêu dùng.

Tuấn Anh(TH)

Exit mobile version