Đại Kỷ Nguyên

Học người Nhật cách tìm thấy hạnh phúc từ ‘Lối sống tối giản’

Qua “Lối sống tối giản của người Nhật”, tác giả mang đến cho người đọc những nguyên tắc về cách mua sắm hữu hiệu và loại bỏ các món đồ không cần thiết. Từ đó, cuộc sống sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng và cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn. 

Tác giả cuốn sách là cây bút Sasaki Fumio. Anh sinh năm 1979 tại tỉnh Kagawa, tốt nghiệp Đại học Waseda chuyên ngành giáo dục. Trước đây, anh từng sống trong căn phòng chất đầy đồ đạc, lộn xộn.

Từ năm 2010, anh bắt đầu theo lối sống tối giản. Năm 2014, anh cộng tác với Numahata Naoki – Giám đốc sáng tạo, lập nên trang web dành cho người sống tối giản có tên: Minimal & ism less is future.

Sasaki Fumio dọn dẹp và giới thiệu về căn phòng đơn giản của mình với chưa đầy 10 bộ quần áo được sắp xếp gọn gàng, đồ đạc chỉ gồm những đồ cơ bản.

Với giọng kể nhẹ nhàng, đơn giản, cuốn sách giúp độc giả hiểu rằng lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và với cuộc sống ít đồ đạc, ta sẽ không bị phân tâm nhiều khi học tập, làm việc…

Thực tế đúng như vậy, giá trị của mỗi chúng ta không đo bằng những đồ đạc, vật dụng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết đi thời gian và cả năng lượng của bạn. Hạnh phúc và bình yên vốn dĩ đến từ sự giản đơn và chính trong bản thân chúng ta.

Lối sống tối giản của người Nhật gồm 5 chương:

Chương I: Tại sao lại có những người sống tối giản?

Chương II: Tại sao đồ đạc lại chất nhiều đến vậy?

Chương III: 55 quy tắc vứt bỏ

Chương IV: Vứt bớt đồ đạc, 12 điều thay đổi trong tôi

Chương V: Không phải trở nên hạnh phúc mà là cảm nhận hạnh phúc

Ở chương I, tác giả giới thiệu và đưa ra định nghĩa của anh về lối sống tối giản, đồng thời giải thích vì sao anh lại chọn lối sống này sau nhiều năm từng sống trong căn phòng nhiều đồ đạc.

Sang chương II, tác giả sẽ đề cập đến tại sao sau ngần ấy năm, đồ đạc trong nhà lại chất nhiều đến thế. Những đồ đạc được tích tụ lại do thói quen hay nhu cầu của con người mang ý nghĩa gì?

Chương III là những bí quyết để cắt giảm đồ đạc trong nhà. Tác giả sẽ đưa ra cho bạn những quy tắc cụ thể, những phương pháp để có thể giảm bớt đồ đạc.

Chương IV là những thay đổi của chính tác giả sau khi dọn hết đồ đạc trong nhà. Kèm theo đó, anh còn phân tích và khảo sát thêm về các kết quả nghiên cứu tâm lý học.

Cuối cùng trong chương V, tác giả giải thích tại sao những thay đổi đó lại dẫn mang đến cho bạn hạnh phúc.

Lối sống tối giản của người Nhật thể hiện rõ quan điểm của tác giả – Tối giản không phải là bỏ tất cả, mà là sử dụng một món đồ nhưng có nhiều công dụng, để tiết kiệm không gian, mà vẫn thẩm mỹ.

Thông thường, chúng ta thường bị cuốn vào suy nghĩa rằng cần phải mua sắm nhiều để khi cần thì có, nhưng có 1 số món đồ cả năm, thậm chí nhiều năm lại không đụng đến. Bỏ thì tiếc nên ngày càng nhiều đồ đạc, căn nhà thêm bừa bộn và ngột ngạt.

Căn phòng làm việc cực kỳ đơn giản của tác giả.
Người Nhật Bản chuộng lối sống đơn giản, không cầu kỳ, màu mè. Họ chỉ mua sắm những thứ thật cần thiết, nhưng đồ đạc đều được sắp đặt hợp lý và đơn giản.

Qua cuốn sách, tác giả đưa ra những nguyên tắc về cách mua sắm hữu hiệu và loại bỏ các món đồ không cần thiết.

Cuốn sách phù hợp với những ai mong muốn một sự thay đổi trong cuộc sống, làm mới bản thân, muốn sống hạnh phúc và yêu cuộc đời hơn. Nhiều khán giả chia sẻ rằng họ đã bắt đầu dám “vứt bỏ” nhiều thứ sau khi đọc cuốn sách. Cụ thể, đối với món đồ mới, sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi mua; còn đối với món đồ cũ, cũng sẽ cân nhắc xem có nên tiếp tục sử dụng hay là nên vứt bỏ.

Thế Tam (Tổng hợp)

Exit mobile version