Đại Kỷ Nguyên

Hơn 220 hồ chứa miền Bắc đang trong tình trạng quá tải

Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy Lợi, tính đến nay đã có hơn 220 hồ chứa ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang trong tình trạng xung yếu.

Tại Bắc Bộ hầu hết các hồ đã tích đầy hoặc xấp xỉ đầy nước. 138 hồ chứa đang trong tình trạng xung yếu (64 hồ lớn, 74 hồ nhỏ) tập trung Yên Bái 10 hồ, Tuyên Quang 9 hồ, Bắc Giang 12 hồ…

Khi xảy ra mưa lớn các hồ nằm trong diện nguy cơ gồm: Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); Lái Bay, Noong Đúc (Sơn La); Bản Viết, Nà Tậu (Cao Bằng); Kai Hiển (Lạng Sơn); Cửa Cốc, Chùa Ông, Khe Ráy, Khe Cát (Bắc Giang); Yên Lập, Khe Táu, Khe Chè, Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh); Khang Mời, Cành, Đại Thắng (Hòa Bình)…

Khu vực Bắc Trung Bộ, 102/132 hồ đã đầy hoặc xấp xỉ đầy nước. Tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế các hồ đều đạt 60-80% dung tích thiết kế.

Toàn khu vực, có 83 hồ chứa xung yếu (15 hồ lớn, 68 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu gồm Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ,…

Khi xảy ra mưa lớn mực nước ở các hồ có thể dâng cao như: Hồ Làng Mọ, Kim Giao, Làng Lụt, Ông Già (Thanh Hóa); Hòn Mát, Đồn Húng, Khe Sân, Khe Gang, Trại Gà (Nghệ An); Lối Đồng (Hà Tĩnh); Vùng Mồ, Bàu Cừa, Đập Làng (Quảng Bình); Kinh Môn (Quảng Trị).

Thanh Hóa do ảnh hưởng của áp thấp và mưa lớn nên 2 đập dâng Cổ Bương (vỡ 12 m) và đập dâng Đập Cầu (sạt 60m mái đập); hồ chứa Ông Già bị nước tràn qua mặt đập.

Nghệ An: Đập Trại Gà, huyện Nghi Lộc (dung tích 0,1 triệu m3 do xã Nghi Văn quản lý) mưa lớn tràn qua thân đập, đã mở rộng tràn 5m buộc phải xả lũ.

Tại Hòa Bình: Đập Cháu Mè, huyện Đà Bắc (dung tích 0,4 triệu m3) bị sạt sở hạ lưu tràn xả lũ, địa phương đã xử lý thả rọ đá để giữ ổn định không sạt lở thêm; Các hồ chứa ở Kim Bôi xảy ra sự cố: Hồ Rộc Cốc (dung tích 0,2 triệu m3) bị thấm gây sạt mái hạ lưu; hồ Rộc Cầu (0,45 triệu m3) bị sạt lở mái hạ lưu; hồ Cành (0,6 triệu m3) bị nước tràn qua mặt đập.

Tuấn Anh (T/H)

Exit mobile version