Tại Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Nhóm Ngân hàng Thế giới 2018, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có cơ hội lớn nhất trong việc xuất khẩu các mặt hàng thay thế hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Hội nghị thống đốc các nước hội viên Nhóm Đông Nam Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF/WB) đã diễn ra vào cuối tuần qua tại Bali (Indonesia) trong khuôn khổ hội nghị thường niên IMF/WB 2018.
Tại hội nghị, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước Nhóm Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do bất ổn trong hệ thống tài chính và những hạn chế mang tính cơ cấu. Do đó, IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần củng cố nền tảng vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng, nâng cao sức chống đỡ của hệ thống tài chính, củng cố và tăng cường vai trò của các thể chế, hệ thống đa phương.
Thảo luận về chủ đề tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tới các nước Đông Nam Á, đại diện của IMF và WB cho rằng căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đem lại những cơ hội mới cho các nước Đông Nam Á trong việc xuất khẩu các mặt hàng thay thế hàng hoá Trung Quốc sang thị trường Mỹ, đón đầu làn sóng FDI di chuyển ra khỏi Trung Quốc do bị ảnh hưởng từ biện pháp đánh thuế của cả Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của IMF và WB cũng cho rằng các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động bất lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nguyên nhân là do xuất khẩu của các nước trong khu vực vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi sức cầu tại nền kinh tế số 2 thế giới lại suy giảm do tác động bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng tham gia nhiều vào chuỗi giá trị của các mặt hàng xuất khẩu của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, nên các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế này sẽ tác động tiêu cực tới giá trị xuất nhập khẩu của khu vực.
Ngoài ra, ảnh hưởng của căng thẳng thương mại lên thị trường tài chính cũng sẽ khiến cho đồng tiền của các nước trong khu vực diễn biến bất thường, thị trường tài chính có nhiều biến động.
Riêng đối với Việt Nam, các đại biểu cho rằng Việt Nam được hưởng nhiều tác động tích cực từ cuộc chiến thương mại hơn là tiêu cực. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá có cơ hội lớn nhất trong việc giành thị trường Mỹ từ Trung Quốc.
Theo thống kê của IMF, trong 20 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam chiếm lợi thế về hàng da giày, may mặc, linh kiện điện tử, là các mặt hàng được hưởng lợi lớn nhất từ việc thay thế hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ.
Trong phân tích về xuất khẩu, thu nhập và đầu tư của IMF, trường hợp Mỹ áp thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam là nước có lợi thế hơn so với các nước về tăng thu nhập và xuất khẩu. Trong khi đó, những tác động tiêu cực đến thu nhập và đầu tư của Việt Nam được IMF dự báo không nhiều như các nước khác.
Ngoài ra, nhờ nền tảng vĩ mô tốt và triển vọng tăng trưởng khả quan, Việt Nam cũng đứng trước cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao Việt Nam giữ được sự ổn định trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong khi tỷ giá tại nhiều nước đang phát triển, kể cả trong khu vực, đang phải chịu sức ép rất lớn.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang căng thẳng, kinh tế Việt Nam vẫn đặt mức tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kết thúc quý III/2018 – khoảng thời gian cuộc chiến thuế quan giữa 2 nến kinh tế lớn nhất xảy ra, GDP của Việt Nam ước tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, GDP ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2017, tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2011.
Ngoài ra, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 sang Trung Quốc tăng tới gần 30%, còn sang Mỹ tăng 13,2%. Hiện Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Vỹ An (Tổng hợp)