Ngân hàng trung ương Indonesia (BOI) đang tìm cách tăng cường bảo vệ đồng tiền và trái phiếu chính phủ của họ bằng một loạt các biện pháp khác nhau.
Theo Bloomberg, BOI dự định sẽ sớm công bố chỉ số hoán đổi và hợp đồng hoán đổi lãi suất để mở rộng công cụ bảo hiểm rủi ro cho các nhà đầu tư, các hãng xuất khẩu và ngân hàng.
Theo Giám đốc điều hành tiền tệ Nanang Hendarsah, Ngân hàng trung ương Indonesia cũng sẽ bắt đầu “khai trương” gói bảo hiểm rủi ro tỷ giá hối đoái có kỳ hạn 1 tháng.
Bốn đợt tăng lãi suất từ tháng 5 và những hành động can thiệp trực tiếp vào thị trường của Indonesia nhằm ngăn chặn sự lao dốc không phanh của đồng Rupiah đã thất bại. Điều này buộc BOI phải đưa ra những biện pháp sáng tạo hơn để chống lại sự mất giá đồng tiền đang lây lan tại các thị trường mới nổi.
Công ty chứng khoán PT Bahana Sekurita Indonesia nhận định, vì sợ đồng Rupiah tiếp tục suy yếu, các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đang theo đuổi đồng USD mạnh hơn.
David Sumual, chuyên gia kinh tế tại PT Bahana Sekurita, cho biết: “Indonesia có rất nhiều công ty nợ bằng đồng USD hơn là những công ty sẵn sàng đầu tư bằng ngoại tệ, tạo ra mất cân bằng thị trường và rủi ro tăng cao. Indonesia cần thiết lập lại thị trường trong khi chính phủ tiến hành cải cách”.
Ngân hàng trung ương Indonesia đã dự trữ hàng tỷ USD để ngăn chặn đồng tiền nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Đồng thời, kể từ tháng 7/2018, BOI cũng đã tăng tỷ giá hối đoái nhằm tăng tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, BOI cũng đã thực hiện các bước giảm chi phí giới hạn rủi ro bằng cách bơm vào thị trường lượng đồng Rupiah tăng gần 13 lần chỉ trong vòng 1 tháng qua.
Trong khi tỷ gá hoán đổi qua đêm sẽ đóng vai trò như một chỉ số phân tích giúp huy động vốn bằng đồng USD trong ngắn hạn, các hợp đồng hoán đổi lãi suất có thể giúp các chi phí bảo hiểm rủi ro thấp hơn.
Vào tháng 8, BOI đã phát hành các chứng chỉ cho phép giao dịch về dài hạn đối với người nước ngoài và giảm thiểu số tiền giao dịch hoán đổi ngoại tệ tối thiểu xuống còn 2 triệu USD thay vì 10 triệu USD như trước đó. Động thái này được nhận xét nhằm tránh các công ty mua đồng USD tại các thị trường giao ngay.
Theo Benny Soetrisno, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Indonesia, nguồn cung đồng USD trên thị trường vẫn không lý tưởng. Nhiều công ty có thể sẽ bán ra đồng USD nếu chi phí bảo hiểm rủi ro cho tỷ giá hối đoái vào khoảng 4,5%
Trước đó, tỷ giá hoán đổi ngoại hối gần đây nhất của Ngân hàng trung ương Indonesia với kỳ hạn 3 tháng được thiết lập ở mức 4,84%.
Đồng Rupiah đã trở thành một trong những đồng tiền chịu tác động nặng nề nhất ở khu vực châu Á khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường khu vực và chuyển về Mỹ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên.
Đồng Rupiah mất giá có thể gây ra vấn đề lớn cho khối nợ ngoại tệ không hề nhỏ của Indonesia, và dòng vốn chảy khỏi thị trường trái phiếu Indonesia là một tin xấu đối với chính phủ nước này.
Tổng Hợp