Đại Kỷ Nguyên

Khốn khổ cảnh ‘say nắng, ngạt thở, toát mồ hôi’ của 3 cây cổ thụ trên đất Huế

Cây đa sộp nằm ở bãi đất trống cũng trên đường tránh Tp. Huế vì đơn vị vận chuyển chưa xin được giấy phép. (Ảnh: Dân trí)

Hôm qua (21/4), 3 cây đa sộp “khủng” vẫn nằm phơi nắng tại Huế và có nguy cơ chết do chủ các phương tiện chở cây chưa làm xong thủ tục để đưa đi.

Hiện 2 chiếc xe đầu kéo chở 2 cây đa sộp “khủng” vẫn nằm chờ tại bãi đất trên đường tránh Tp. Huế. Chiếc xe chở cây thứ 3 nằm cách đó không xa, theo Dân Trí.

Các xe chưa thể di chuyển do giấy phép lưu hành xe quá khổ, vận chuyển hàng siêu trường trên đường bộ có giá trị đến ngày 23/4 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) chỉ cho chở thiết bị hàng hóa là “Thiết bị xe máy thi công” chứ không cho phép chở cây.

Những chiếc xe này chỉ được phép chở cây có chiều đi về “Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn” và “Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu, Châu Thành, Hậu Giang”.

Theo lãnh đạo CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, xe chở cây “khủng” phải ghi rõ loại hàng hóa, kèm theo tải trọng, chiều cao, chiều dài đảm bảo mới cho đi. Nếu không xe sẽ tiếp tục bị xử phạt và cấm lưu thông.

Đến nay, đã qua 3 tuần kể từ khi những cây “quái thú” này bị CSGT Thừa Thiên Huế bắt giữ. Những cây này đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, không thể đi được cũng không biết đem trồng ở nơi nào.

Chủ của 3 cây đại thụ đã thuê người gọt eo, thắt lưng nhưng cây vẫn chưa được để di chuyển và nằm phơi nắng.

Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm – chuyên gia thực vật học, nguyên giảng viên trường Đại học Nông lâm Huế cho rằng, cây đa vốn có sức sống rất mãnh liệt, song để cây nằm phơi nắng nhiều ngày liền sẽ ảnh hưởng nhất định.

Do đó, cần có biện pháp đảm bảo sức khỏe của 3 cây đa “khủng”, bao bọc thân cành bằng vật liệu thông thoáng, thấm nước và thoát nước tốt giúp cây đủ ẩm nhưng không úng. Nếu úng trong điều kiện nhiệt độ cao thì vỏ cây và rễ cây bị hâm nóng dẫn đến thối mục. Tưới nước vừa đủ, không quá nhiều.

Tốt nhất nên dựng đứng các cây này lên, cho túi bầu vào hố và che chắn bằng lưới. Ngoài ra, việc xử lý sai phạm kéo dài khiến cây dễ chết, sẽ rất đáng tiếc.

Nghệ nhân sinh vật cảnh Đặng Xuân Cường cho hay, những cây đa sộp này là tài sản quý, sai phạm là do con người còn cây không có tội. Vì vậy, phải tìm cách cứu sống được 3 cây này, trồng vào chỗ nào rồi truy cứu trách nhiệm những người liên quan sau. Giờ cần phải trồng luôn may ra mới cứu được cây.

Thanh Thanh

Exit mobile version