Đại diện Bộ Tài chính cho biết số tiền gần 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD) từ vụ bán cổ phần nhà nước tại Sabeco sẽ được dùng cho Quỹ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chứ không dành để trả nợ.
Trong cuộc họp báo ngày 25/12, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, cho biết số tiền thu được từ vụ bán cổ phần Sabeco trong vài ngày nữa sẽ được chuyển vào Quỹ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tại tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
Theo ông Tiến, danh mục đầu tư trung hạn được Quốc hội thông qua với tổng đầu tư 2 triệu tỷ đồng, trong đó cơ cấu 25 nghìn tỷ đồng thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, việc thoái vốn vừa qua để thực hiện đầu tư phát triển theo nghị quyết của Quốc hội.
“Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các doanh nghiệp khác trước đó đều là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội. Danh mục đầu tư cho các dự án trung hạn đều đã có địa chỉ rõ ràng, do Quốc hội quyết,” ông Tiến nói, cho biết việc chi tiêu thế nào đã có hạch toán và hàng năm được kiểm toán đầy đủ.
Về việc sử dụng Quỹ cổ phần hoá, ông Tiến cho biết quỹ này có mục tiêu không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề lao động dôi dư trong cổ phần hoá. Số tiền đưa vào trong quỹ khi chưa dùng đến sẽ sinh lãi để tăng quy mô quỹ.
Trước băn khoăn về tính pháp lý của việc tỷ phú Thái Lan thâu tóm cổ phần Sabeco thông qua một công ty đại diện ở Việt Nam, ông Tiến cho biết tư cách của nhà đầu tư mua Sabeco hoàn toàn phù hợp pháp luật Việt Nam.
“Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài vào thành lập công ty ở Việt Nam, có vốn nước ngoài 49% thì theo Luật Đầu tư được đối xử như nhà đầu tư Việt Nam”, vị quan chức trên nói, cho biết thêm rằng Chính phủ không nắm cổ phần tại các lĩnh vực như bia, sữa, mà sẽ thoái hết vốn.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng nhà đầu tư mua số lượng lớn chính là quan tâm tới việc phát triển doanh nghiệp, ở lại lâu với thương hiệu Việt. Vì vậy theo ông, cần sửa đổi một số Luật hiện hành để tránh việc doanh nghiệp phải lách luật trong những tình huống tương tự.
Về kế hoạch cho năm 2018, ông Tiến cho biết nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn như Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng công ty điện lực dầu khí (PV Power), PVoil, các công ty của Tập đoàn Cao su. Tuy nhiên, năm 2018 sẽ không dồn dập thoái vốn mà tiến hành dần dần, chứ không “no dồn, đói góp” như năm 2017.
Vũ Thường