Chia sẻ về bí quyết sống thọ của mình, cụ Thoại cho hay, quan trọng nhất là phải tạo cuộc sống thật lạc quan, tâm hồn luôn vui vẻ, thương yêu những người xung quanh.
Trong ngôi nhà mái bằng khang trang ở xã Lý Thành (Yên Thành, Nghệ An), cụ bà Lê Thị Thoại (103 tuổi) thường dùng chiếc gậy đi lại quanh nhà, trò chuyện cùng mọi người. Cụ kể, sáng ra thường ngủ dậy sau con cháu một lúc, sau khi rửa mặt và ăn sáng thì quét nhà, quét sân, tự múc nước ở giếng để giặt quần áo cho mình.
“Quét sân thì đơn giản, múc nước giặt quần áo hơi mệt. Con cháu thường khuyên không phải làm việc nhưng tôi thích lao động để khỏe thêm chứ nằm một chỗ sẽ mệt người. Lao động cũng phần nào phụ giúp con cháu đỡ vất vả”, cụ Thoại vui vẻ chia sẻ trên báo VnExpress.
Chia sẻ về bí quyết sống thọ của mình, cụ Thoại cho hay, quan trọng nhất là phải tạo cuộc sống thật lạc quan, tâm hồn luôn vui vẻ, thương yêu những người xung quanh.
Em gái cụ Thoại là cụ Lê Thị Mưu hiện đã 101 tuổi và là mẹ Việt Nam anh hùng. Chồng cụ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai đầu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Dù không còn quá minh mẫn, cụ Mưu vẫn có thể nhớ về thời gian khó khăn khi trước. Thi thoảng cụ vẫn hát tặng con cháu vài câu dân ca Nghệ Tĩnh.
Ông Lê Anh Đào con trai cụ Mưu cho biết hàng chục năm nay cụ chưa từng mắng con cháu lần nào. “Có lúc tôi hỏi vui mẹ có biết bí quyết gì để sống thọ hay không thì được trả lời quan trọng nhất là sống lạc quan, thương yêu những người xung quanh”.
Ít tuổi nhất trong ba chị em nhưng cụ Lê Thị Cơ cũng đã tròn trăm tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hàng ngày cụ vẫn đủ sức khỏe phụ giúp con cháu thái rau cho lợn, bê thức ăn cho trâu.
Cũng với bí quyết bằng lòng với những gì mình có, yêu thương những người xung quanh, 5 anh em ruột thuộc dòng họ Nguyễn Văn ở thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc (Hải Dương) đều sống tới tuổi xưa nay hiếm.
Ngoại trừ người anh cả là cụ Nguyễn Văn Hướng (sinh năm 1915- đã mất vào năm 2016 thọ 101 tuổi), 4 anh, chị em còn lại là cụ Nguyễn Văn Thướng (93 tuổi), hai cụ song sinh Nguyễn Văn Phướng, Nguyễn Văn Phiến (90 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Phím (sinh năm 1931- nay đã 87 tuổi) đều minh mẫn và khỏe mạnh.
Cụ Nguyễn Văn Thướng (người em thứ hai) cho Báo Gia Đình & Xã Hội biết: “Bao nhiêu năm nay, cứ sáng ra mấy anh em chúng tôi đều gặp nhau nói chuyện, đến chiều lại đánh cờ và ngồi chơi. Có những lúc, chúng tôi nói chuyện làm ăn của các con cháu, rồi chuyện ấu thơ và đôi lúc ôn lại những năm tháng khó khăn của gia đình để anh em tự nhắc nhở nhau phải biết quý trọng cuộc sống hiện tại”.
Chia sẻ về bí quyết sống thọ và đoàn kết của gia đình, cụ Thướng cho hay: “Bao nhiêu năm tháng khổ cực, bao nhiêu khó khăn cuộc sống đều được anh em chúng tôi đều trải qua hết rồi. Bây giờ khi tuổi đã cao thì không bon chen nữa. Khi mình bằng lòng với những gì mình hiện có tức là mình đang làm cho cuộc sống của bản thân không bị áp lực, thoải mái về tư tưởng và giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn”.
“Anh em chúng tôi chỉ tâm niệm một điều, đó là hãy sống an vui, yêu thương nhau, đừng nên ghét bỏ ai và biết bằng lòng với những gì hiện có. Đó chính là bí quyết sống thọ và sống có ích cho con cháu, mọi người, xã hội”, cụ Thướng cho hay.
Như Quỳnh