Đại Kỷ Nguyên

Không thể cứu cây long não trăm tuổi tại Đắk Lắk

Cây long não chết khô sau 2 năm được phun thuốc diệt nấm. (Ảnh: VnExpress)

Sau hơn 2 năm bị nấm ăn mòn, một trong hai cây long não trăm tuổi tại Đắk Lắk đã chết khô và phải cưa bỏ do có nguy cơ gãy đổ.

Sáng 27/9, trao đổi với VnExpress, ông Bùi Văn Quý, Giám đốc Công ty Môi trường và Đô thị Đắk Lắk cho biết, một cây long não trồng trước Biệt điện Bảo Đại (thuộc khuôn viên Bảo tàng tỉnh) đã chết khô sau 2 năm phun thuốc trị bệnh nấm.

Do có thể gãy đổ bất cứ lúc nào nên cây long não đã được cưa các cành lớn. Số gỗ đều giao cho Sở văn hóa bảo quản.

Các cành cây được đốn hạ do có nguy cơ gãy đổ. (Ảnh: VnExpress)

Theo Báo Đời sống & Pháp lý, từ tháng 8/2016, công ty môi trường đô thị Đắk Lắk phát hiện một số cành của cây long não khô héo nên đã cắt bỏ ba nhánh khô đảm bảo cho cây đủ chất dinh dưỡng để sinh trưởng và phun thuốc diệt nấm. Tuy nhiên, cây long não vẫn khô héo và chết dần do loại nấm chưa được xác định.

Cây long não được cưa nhánh và phun thuốc diệt nấm nhưng vẫn khô héo dần. (Ảnh: Đời Sống & Pháp Lý)

Trước đó, cuối năm 2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức Lễ công nhận gắn biển Cây di sản Việt Nam cho hai cây long não. Hai cây long não này được trồng từ năm 1930, hiện nay đường kính cây rộng hơn 2.5 m, cao hơn 30 m với nhiều cành to và tán rộng.

Cây long não khi còn xanh tốt. (Ảnh: TTXVN)
Hai cây long não cũng góp phần thu hút du khách và tạo ra không gian xanh mướt cho biệt viện Bảo Đại. (Ảnh: Đời Sống Pháp Luật)

Long não (rã hương) là cây thân gỗ, cao 20-30 m, có nguồn gốc ở Đông Á và Đông Dương. Các lá nhẵn và bóng, bề mặt như sáp và có mùi long não khi bị vò nát. Về mùa xuân cây sinh ra lá xanh lục nhạt với nhiều hoa nhỏ trắng. Cây sinh ra quả đen, thuộc loại quả mọng, mọc thành cụm với đường kính khoảng một cm.

Hoa Liên (Tổng hợp)

Exit mobile version