Theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Tp.HCM, gà mái đẻ giá rẻ chỉ 40.000-50.000 đồng/kg dù là hàng nhập khẩu hợp pháp dùng làm thực phẩm nhưng người tiêu dùng không nên mua ở các điểm bán lề đường.
Trước tình trạng gà mái đẻ không đầu, không chân, giá siêu rẻ được rao bán tràn lan dọc các tuyến đường ở Tp.HCM thời gian qua, ngày 18/7, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Tp.HCM có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện đề nghị tăng cường kiểm tra các điểm bán gà mái đẻ nhỏ lẻ ở lề đường.
Theo đó, thời gian qua, tại Tp.HCM xuất hiện tình trạng một số điểm bán gà mái với đặc điểm giết mổ sẵn, không đầu, không chân, để đông lạnh và rao bán với giá rất rẻ, chỉ từ 40.000-50.000 đồng/kg. Do giá quá rẻ so với gà trong nước nên loại gà này bị nghi ngờ về chất lượng. Một số ý kiến của các chuyên gia còn cho rằng ở nước ngoài đây là loại gà dành cho chó, mèo, không dùng làm thực phẩm cho người.
Pháp luật Tp.HCM ngày 17/7 dẫn lời đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết loại gà thải loại đang bán đầy rẫy trên thị trường Việt Nam nhiều nước không dùng làm thực phẩm cho người. Họ dùng làm bột thịt thức ăn chăn nuôi cho thú cưng và cũng có nước dùng làm phân bón cho cây trồng. Nguyên nhân là bởi loại gà này đã khai thác thời kỳ đẻ trứng, thịt gà còn ít chất dinh dưỡng, sử dụng nhiều loại vaccine, kháng sinh và thuốc thú y khác.
Một số trang trại cho hay gà mái đẻ giá rẻ đang rong trên các tuyến đường ở Tp.HCM khó có thể là gà trong nước bởi thời điểm này, giá trứng đang tăng cao, nhiều trang trại quyết định giữ lại gà để có thêm lãi nên rất ít cơ sở thải ra để bán lấy thịt. Do đó, gà siêu rẻ đang bán trên thị trường là gà thải, hay còn gọi là gà “rác” nhập từ Hàn Quốc
Trong khi đó, chia sẻ trên Người lao động, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Tp.HCM – cho biết thịt gà nhập khẩu nói chung và gà mái đẻ nói riêng có giá rẻ là do thói quen tiêu dùng ở các nước khác nhau.
Theo bà Lan, gà mái đẻ là gà đã hết chu kỳ khai thác trứng, thịt dai người tiêu dùng nước ngoài không chuộng nên giá rẻ. Tại Việt Nam, cũng có các trang trại nuôi gà mái đẻ. Song, khi gà hết chu kỳ lấy trứng, các trang trại vẫn tiếp tục nuôi vỗ béo, sau đó đưa ra thị trường kinh doanh gà thịt. Điều quan trọng là phải kiểm soát dư lượng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi trước khi đưa ra thị trường để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sử dụng.
Cũng theo bà Lan, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng ở nơi có nguồn gốc rõ ràng như sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị, không nên mua ở các điểm bán rong, hàng trôi nổi do không bảo đảm điều kiện kinh doanh, bảo quản để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đại diện Phòng Thanh tra – Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM cho biết hoạt động bán rong gà mái đẻ không chỉ không bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn vi phạm về lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông nên các chính quyền địa phương cần tăng cường xử lý. Đối với các sản phẩm động vật kinh doanh trôi nổi như trên sẽ bị xử lý tiêu hủy do không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Vỹ An