Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ chắn chắn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho các nền kinh tế trong khu vực châu Á.  

Ngày 6/7, “phát súng” đầu tiên của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ chính thức khai hỏa. Mỹ quyết định áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ đưa ra hành động đáp trả.

Hoạt động giao thương trong khu vực châu Á đã tăng lên trong những năm gần đây. Nhưng khối lượng giao dịch có thể sớm bị thay đổi dựa theo mức độ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giao dịch giữa một ngân hàng Hàn Quốc và Ấn Độ tăng 55% từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018, giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tăng 66%.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng hàng hóa giao thương của thế giới tăng trưởng 4,7% trong năm 2017, mức cao nhất kể từ năm 2011 và vượt xa mức tăng 1,8% của năm 2016. Tốc độ tăng cao trong năm 2017 chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của châu Á tăng cao.

Cũng theo WTO, châu Á ghi nhận tốc độ tăng trưởng thương mại cao nhất thế giới trong năm 2017, trong đó nhập khẩu tăng 9,6% và xuất khẩu tăng 6,7%.

Một khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, đây sẽ là tin xấu cho các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu như Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia. Những nước này có nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm bán cho Trung Quốc và xuất khẩu qua Mỹ, từ ô tô tới các thiết bị điện tử.

“Đây là những ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao”, chuyên viên nghiên cứu Raymond Tsang tại trung tâm tư vấn Bain & Company có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. “Chuỗi cung ứng này rất phức tạp. Thương mại đan xen rất quan trọng đối với nền kinh tế khu vực”.

Đài Loan thiệt hại nặng nhất

Các linh kiện điện tử, như chip máy tính, là một trong những sản phẩm dễ bị tổn hại nhất trong một cuộc chiến thương mại. Điều đó có thể đặt kinh tế Đài Loan vào một vị thế bấp bênh.

Đài Loan là nhà cung cấp linh kiện lớn cho Trung Quốc để sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Nhiều thiết bị được xuất khẩu tới Mỹ. Theo số liệu của công ty nghiên cứu Capital Economics, hoạt động xuất khẩu các linh kiện này chiếm gần 2% tổng sản phẩm nội địa của Đài Loan.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Gareth Leather giải thích Đài Loan “sẽ mất mát nhiều nhất” trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Nếu nhu cầu đối với điện thoại thông minh Trung Quốc bị tác động, nhu cầu đối với linh kiện Đài Loan cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuần trước, Foxconn – công ty công nghệ hàng đầu của Đài Loan và là nhà cung cấp chính cho Apple – đã đưa ra cảnh báo một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt. Nhưng Foxconn, công ty hoạt động chủ yếu tại thị trường Trung Quốc đại lục, không phải là công ty duy nhất có liên đới.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư ANZ dự đoán xuất khẩu thiết bị bán dẫn của Đài Loan và các hàng hóa công nghệ khác sẽ giảm trong những tháng tới khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang.

Trong khi đó, Hàn Quốc – nước có 2 thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc và Mỹ – có thể là một nạn nhân lớn khác. Giống như Đài Loan, nước này bán các linh kiện công nghệ cho Trung Quốc để sản xuất các thiết bị điện tử xuất khẩu sang Mỹ.

Cổ phiếu của hai nhà sản xuất chip điện tử Hàn Quốc – Samsung Electronics và SK Hynix – bắt đầu giảm trong những tuần gần đây.

Không chỉ vậy, các nhà phân tích cho biết các công ty ở Malaysia và Singapore cũng có thể bị ảnh hưởng khi hai nước đều xuất khẩu linh kiện điện tử cho Trung Quốc.

Tình hình sẽ tệ đến đâu?

Quy mô thiệt hại cho nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào mức độ tồi tệ của cuộc chiến thương mại.

Theo Christopher Rogers – nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu thương mại toàn cầu Panjiva, mặc dù mức độ ảnh hưởng của chính sách lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc của Mỹ sẽ không lớn trong ngắn hạn, nhưng nếu Tổng thống Donald Trump thực sự áp thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như lời đe dọa, điều này có thể tạo ra làn sóng khiến các nền kinh tế châu Á chao đảo.

Với viễn cảnh đó, “các mặt hàng sản xuất bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi”, chuyên gia Rogers nhận định.

“Rõ ràng điều này không hề có lợi nếu các doanh nghiệp lại phải tìm ra các địa điểm mới để đặt nhà máy sản xuất và tìm nguồn cung ứng chiến lược,” cố vấn Tsang giải thích.

Một số nhà phân tích cho rằng nhiều công ty châu Á đang tìm cách đưa sản phẩm tới các quốc gia khác trong khu vực, như Thái Lan và Việt Nam, để tránh mức thuế quan cao mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Kiều Ngọc