Tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro (Eurozone) trong quý III/2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Trang tin Guardian dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê Châu Âu công bố ngày 30/10 cho biết kinh tế khối Eurozone tăng trưởng 0,2% trong quý III/2018, thấp hơn mức 0,4% của quý II.
Đây là tốc độ tăng trưởng kém nhất của khu vực đồng tiền chung Euro kể từ quý II/2014 khi nền kinh tế cũng ghi nhận mức tăng 0,2%.
Con số này là bằng chứng rõ ràng cho thấy nền kinh tế Eurozone đang gặp nhiều trở ngại. Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 tại Eurozone, đang có nguy cơ rơi vào đợt suy thoái thứ 3 chỉ trong vòng 1 thập kỷ với tốc độ tăng trưởng chỉ dao động quanh mức 0% và nợ công của chính phủ lên tới 2,3 nghìn tỷ USD, bằng 132% GDP.
Chính quyền Rome muốn kích thích nền kinh tế bằng cách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu tài khóa, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ dự thảo ngân sách của Italia. Các chuyên gia kinh tế nhận định những căng thẳng giữa Italia và EC sẽ còn leo thang, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng vốn đang rất nhạy cảm của Italia và tạo thêm gánh nặng lên nền kinh tế nước này.
Bên cạnh rắc rối của Italia, các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân dẫn tới khu vực đồng Euro tăng trưởng yếu là do các cuộc xung đột thương mại trên thế giới, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, điều đã tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu. Phần lớn tăng trưởng kinh tế Eurozone là dựa vào lĩnh vực xuất khẩu, nhất là của Đức.
Tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng không mấy khả quan. Các nhà sản xuất ô tô của Đức đang bắt đầu “ngầm đòn” do căng thẳng thương mại toàn cầu, nối tiếp cú giáng từ loạt bê bối liên quan tới khí thải và sự trì trệ do hệ thống cấp chứng nhận phương tiện mới tại châu Âu.
Ngành công nghiệp đóng góp lớn cho GDP của khu vực này cũng phải đối mặt với một nguy cơ khác khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp đe dọa sẽ áp thuế lên ô tô lắp ráp tại châu Âu nếu EU không nới lỏng các rào cản thương mại.
“Ngành công nghiệp ô tô bị gián đoạn làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III của Đức cũng như khu vực đồng Euro”, nhà kinh tế Bert Colijin thuộc tập đoàn đa quốc gia ING nhận định.
Thêm vào đó, sự nhập nhằng của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực.
Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực Eurozone, tăng trưởng 0,4% trong quý III/2018, cao hơn mức 0,2% của quý trước đó nhờ vào chi tiêu tiêu dùng và hoạt động chế tạo gia tăng. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Pháp hiện thiếu xung lực và sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)