Giữa lúc nền kinh tế Hàn Quốc đang tăng trưởng chậm lại, chính phủ nước này vẫn tìm cách chi hàng trăm triệu USD vào các dự án kinh tế và văn hóa cho nước láng giềng Triều Tiên.
Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất chi 419 triệu USD cho một loạt dự án liên quan đến Triều Tiên, gồm đoàn tụ các gia đình bị li tán bởi chiến tranh, một văn phòng liên lạc chung giữa hai nước, cũng như các chương trình giao lưu thể thao.
Những cam kết này được đề cập lần đầu trong tuyên bố chung ký kết giữa ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 4.
Những động thái này được xem là khoản đầu tư dài hạn vào hòa bình, tuy nhiên nó cũng có thể làm tăng gánh nợ của Seoul và có nguy cơ trở thành gánh nặng nếu như mối quan hệ đôi bên này gặp bất hòa.
Một số chính trị gia cáo buộc chính phủ cố ý che giấu chi phí dài hạn vì lo sợ công chúng phản ứng.
Các đề xuất trị giá hàng triệu USD được đưa ra khi một số người dân Hàn Quốc đang lo ngại về nền kinh tế giảm tốc của nước nhà. Trong khi đa số người Hàn Quốc mong muốn hòa bình với Bình Nhưỡng, nhiều người tin rằng công quỹ nên được ưu tiên cho các vấn đề trong nước, đặc biệt vào thời điểm kinh tế tăng trưởng yếu như hiện nay.
Kinh tế Hàn Quốc được dự báo tăng trưởng 2,9% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng 3,1% của năm ngoái. Trong khi đó, tốc độ tạo việc làm mới cũng ở mức thấp nhất trong vòng 9 năm sau khi chính quyền ông Moon Jae-in tăng lương tối thiểu và cắt giảm giờ làm việc, những động thái khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới.
Sự bất mãn của công chúng về việc nền kinh tế đang hạ nhiệt đã đẩy mức xếp hạng tín nhiệm của ông Moon Jae-in xuống còn 49%, mức thấp nhất kể từ khi nhận chức vào tháng 5/2017, theo khảo sát của trang Gallup Korea.
Chính phủ Hàn Quốc cũng dự kiến chi 262 triệu USD cho việc kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường giao thông liên Triều trong năm tới. Tuy nhiên, một số người cho rằng, với 2 dự án đường sắt có tổng chiều dài xấp xỉ 1.190 km, chi phí xây dựng sẽ cao hơn rất nhiều so với con số ước tính.
Tờ Chosun Ilbo dẫn ước tính của Cơ quan đường sắt Hàn Quốc cho biết việc nâng cấp và sửa chữa các con đường và các tuyến đường sắt đổ nát của Triều Tiên có thể có giá khoảng 38,2 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 10% trong tổng kế hoạch chi tiêu ngân sách cho năm 2018 của Hàn Quốc và gấp đôi số tiền mà chính phủ chi cho việc tạo việc làm mới.
Theo đánh giá do ngân hàng Citi đưa ra vào tháng 6, để xây dựng lại cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông của Triều Tiên bao gồm đường sắt, đường sân bay, cảng biển, nhà máy điện, mỏ và nhà máy lọc dầu, cần khoảng 63,1 tỷ USD.
Một phát ngôn viên của chính phủ Hàn Quốc cho biết các ước tính chi phí chi tiết sẽ được công bố sau khi các đợt khảo sát thực địa hoàn thành.
Anthony Rinna, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực Đông Á, cho rằng: “Ông Moon Jae-in đang tự buộc mình vào rủi ro khi vươn tay tiếp cận Triều Tiên”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Katrina Ell thuộc Moody’s nhận định các tuyến giao thông liên Triều một khi được hoàn thành sẽ khiến Hàn Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với 2 thị trường “màu mỡ” là Trung Quốc và Nga.
Trong ngắn hạn, việc tái thiết sẽ kích cầu cho các công ty Hàn Quốc, đặc biệt là những công ty thuộc lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.
Về trung hạn, Hàn Quốc có thể sử dụng cơ sở hạ tầng được cải thiện để khám phá các cơ hội như thăm dò khai thác mỏ ở miền Bắc.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)