GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 ước tăng 3,6 triệu đồng lên khoảng gần 60 triệu/người/năm.
Ngày 24/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ, năm 2018 kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo hướng tích cực, tốc độ tăng GDP ước đạt 6,7%.
Bình quân 3 năm 2016-2018, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,57%, đạt mục tiêu của cả giai đoạn 5 năm 2016-2020 được Quốc hội giao (6,5-7%).
Chỉ số lạm phát cũng được kiểm soát. Liên tiếp trong 3 năm 2016-2018, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%.
Quy mô GDP theo giá hiện hành của Việt Nam ước đạt 5,5 triệu tỷ đồng, tương đương 240 tỷ USD. Trong năm 2017, quy mô nền kinh tế Việt Nam là 220 tỷ USD.
GDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt khoảng 2.540 USD/người (tương đương gần 60 triệu/người/năm), tăng 155 USD so với năm 2017 (khoảng 3,6 triệu đồng).
Ngoài ra, nợ công Việt Nam đang trong xu hướng giảm. Cụ thể, nợ công ước tính giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 61,4% trong năm 2018.
Thu ngân sách nhà nước năm nay ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và 5,5% so với 2017. Bội chi ngân sách khoảng 3,67%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP. Giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2017.
Theo đánh giá của Bộ, kinh tế năm 2018 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, mô hình tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào vốn thay vì đổi mới công nghệ. Xuất nhập khẩu dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Bên cạnh đó, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chống người thi hành công vụ… vẫn diễn ra phức tạp.
Kiều Thu (Tổng hợp)