Mặc dù đã hoàn thành được 95% khối lượng xây dựng, nhưng do phía Trung Quốc cấp vốn chậm nên dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ không thể đưa vào khai thác trong quý I/2018 như dự kiến, mà phải lùi tới cuối năm 2019.
Trao đổi trên báo VnEconomy, ông Võ Hồng Phương – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hiện đã hoàn thành được 95% khối lượng xây dựng, thiết bị nhập về đáp ứng 80% và lắp đặt thiết bị đạt 60%.
Ông Phương cho biết dự án này dự kiến sẽ được đưa vào vận hành chạy thử kỹ thuật vào tháng 9/2018, bao gồm việc căn chỉnh, vận hành thử không tải, vận hành chở khách mô phỏng.
Thời gian vận hành thử có thể kéo dài 3-6 tháng, tùy vào kết quả chạy thử. Nếu kiểm soát chặt tiến độ, đến tháng 12/2018 đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại.
Với tiến độ mới, dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh hồi tháng 2/2017 là hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại trong quý I năm nay.
Vị đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt giải thích dự án tiếp tục “trễ hẹn” là do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD từ phía Trung Quốc.
Đến tháng 12/2017, các thủ tục đã được tháo gỡ, và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung trên.
Ông Võ Hồng Phương cho biết tuyến đường sắt sẽ do thành phố Hà Nội tiếp nhận thực hiện khai thác, còn Bộ Giao thông chỉ làm giai đoạn đầu tư và thực hiện đầu tư.
“Khi nào chính thức khai thác thương mại còn phụ thuộc vào UBND Hà Nội phụ trách”, ông Phương cho biết, nói thêm rằng hai bên phải phối hợp cùng làm, chứ không phải đổ lỗi trách nhiệm cho nhau.
Sau gần 10 năm thi công, dự án đường sắt Cát Linh–Hà Đông đã phải lùi tiến độ nhiều lần. Lần gần đây nhất, phía Tổng thầu Trung Quốc xin Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam lùi thời gian chạy thử kỹ thuật tuyến đường sắt đến đầu tháng 9/2018 và lùi thời gian vận hành, khai thác thương mại đến tháng 11/2018.
Đến nay, dự án đã bị đội vốn tương đối lớn. Được thiết kế với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 552,8 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016 dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh lên 868,04 triệu USD (tăng 315,1 triệu USD). Vì tăng tổng mức đầu tư, dự án phải vay thêm Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc thêm 250 triệu USD.