Đại Kỷ Nguyên

Làn sóng vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc tăng cao

Trung Quốc chấp nhận đơn phá sản của một loạt công ty "xác sống". (Ảnh: Telegraph)

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, Trung Quốc đã nỗ lực giảm bớt gánh nặng cho các công ty vỡ nợ trái phiếu bằng việc chấp nhận một loạt các đơn xin phá sản.

Theo Bloomberg, các tòa án địa phương ở Trung Quốc đã chấp nhận hoặc có kế hoạch chấp nhận ít nhất 5 đơn xin phá sản từ các công ty không thanh toán được các khoản trái phiếu phát hành ra công chúng kể từ đầu tháng 11. Con số này gần như tương tự với con số của 4 năm trước.

Ngày 4/12, cơ quan hoạch định đứng đầu Trung Quốc đã kêu gọi các quan chức địa phương xóa sạch nợ của các công ty có năng lực sản xuất dư thừa hoặc không có khả năng thanh toán vào năm 2020.

Tin xấu là một số trái chủ có thể nhận lại khoản thanh toán ít hơn từ các nhà phát hành trái phiếu vỡ nợ so với dự đoán của họ. Tin tốt là thủ tục phá sản sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Quá trình này sẽ cho cả chủ nợ lẫn con nợ có thêm kinh nghiệm trong việc tái cơ cấu nghĩa vụ nợ, chỉ chưa đầy 4 năm sau khi Trung Quốc chấp nhận khái niệm “vỡ nợ” trong thị trường trái phiếu lớn thứ 3 thế giới.

Theo chuyên gia Ivan Chung tại hãng Moody’s Investors Service ở Hồng Kông, các chủ sở hữu trái phiếu có thể phải đối mặt với tổn thất đáng kể sau khi nhà phát hành phá sản, nhưng điều quan trọng là họ có thể học cách đấu tranh cho quyền lợi của mình thông qua hệ thống pháp lý và chắt lọc hơn trước khi mua một trái phiếu nào đó.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng cũng như nhiều sự việc khác ở Trung Quốc, định hướng của chính phủ có thể đang đứng đằng sau chính sách cải tiến mới nhất. Trung Quốc đang khuyến khích phát triển một hệ thống tài chính trong đó có việc định giá tín nhiệm có liên quan nhiều hơn tới rủi ro của người đi vay. Chính quyền địa phương và trung ương trong nhiều thập kỷ đã chuyển sang hỗ trợ hoặc hối thúc các chủ nợ nhằm hỗ trợ các công ty đang gặp khó khăn bởi sự sụp đổ của những công ty này có thể gây ra tình trạng thất nghiệp hoặc bất ổn xã hội.

Chen Sheng, một thành viên thuộc công ty luật Rolmax của Trung Quốc, cho biết các chính quyền địa phương thường chỉ cho phép các công ty nộp đơn xin phá sản nếu họ không thể đi đến thoả thuận với các tổ chức tài chính và các chủ nợ khác sau một thời gian dài thương lượng.

Luật phá sản của Trung Quốc đã tồn tại hơn một thập kỷ, nhưng các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ hiện đại chỉ mới bắt đầu xuất hiện vào năm 2014. Năm nay, các nhà phát hành đã không thể thanh toán 103 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu địa phương, làm tăng nhu cầu đối với thủ tục phá sản.

Trong một tuyên bố hồi đầu tháng 12, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã khuyến khích chính quyền và toà án địa phương phối hợp và hỗ trợ việc chấp nhận đơn xin phá sản. Điều này sẽ giúp đóng cửa các bộ phận kém năng suất hơn của các ngành công nghiệp Trung Quốc, cải thiện năng suất và giá cả.

Sun Chao, quản lý cấp cao tại Công ty Chứng khoán Trường Giang (Thượng Hải, Trung Quốc), cho hay: “Sử dụng các thủ tục phá sản là một cách hiệu quả để các trái chủ bảo vệ quyền lợi của họ, mặc dù nó rất tốn thời gian và tỷ lệ thu hồi là không chắc chắn. Dù là nhà phát hành được tái cơ cấu hoặc bị thanh lý, trái chủ có thể lấy lại một cái gì đó”.

Vỹ An (Tổng hợp)

Exit mobile version