“Suy cho cùng, sống giữa bao nhiêu ồn ã và vội vã, chúng ta vẫn chỉ muốn lòng mình luôn được dịu êm. Hà Nội trong mong mỏi của mỗi người cũng vậy” – cây bút Nhật Linh.
“Lặng phố” là tập hợp gần 100 bức tranh vẽ về Hà Nội của họa sĩ Phạm Bình Chương. Xen kẽ là tản văn ngắn ghi chép cảm xúc của nhà văn Nhật Linh về sự đổi thay từng ngày của thủ đô. Ấn phẩm có điều đặc biệt là không đánh số trang, không có mục lục. Chia sẻ về điều này, hai tác giả cho biết đây chính là cách để người xem cảm nhận Hà Nội theo cách riêng của mình.
Họa sĩ Phạm Bình Chương nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh Hà Nội theo lối hiện thực. Dù sử dụng lối vẽ thực, nhưng tranh của Phạm Bình Chương vẫn rất bay bổng, vẽ Hà Nội hiện đại nhưng vẫn yên bình, phảng phất nét cổ kính.
Như phần mở đầu sách, cây bút trẻ Nhật Linh bày tỏ, người ta đã viết về Hà Nội quá nhiều, Hà Nội cũ, Hà Nội mới, Hà Nội đủ màu sắc và đậm hương vị. Bởi vậy, chính cô từng kẹt trong sự chật hẹp đề tài ấy, rồi tự hỏi: “Hà Nội còn lại gì, để viết đây?”
“Nhưng rồi một ngày, đứng dưới một tán bàng xanh ngắt, tôi nhận ra là mùa đến mùa đi, bàng xanh lá trắng hoa rồi bàng lại vàng nâu thẫm đỏ. Hà Nội vẫn luôn ở đó, trong ý ức, trong nỗi nhớ, Hà Nội vẫn là của tôi, của tuổi trẻ, của ngày hôm nay, ngày mai và những ngày còn chưa đến, đang đợi” – Nhật Linh viết.
Sách tranh “Lặng phố” được Thành Chương đánh giá là sự kết hợp nhuần nhuyễn, sự giao duyên giữa hội họa và văn chương. Ở đó không có chuyện tranh minh họa cho văn, hay chữ giải thích cho tranh, mà chỉ thấy đường nét màu sắc và ngôn từ hòa quyện, cùng tạo nên một cảm xúc đẹp về phố phường Hà Nội.
Một số bức tranh trong cuốn “Lặng phố”:
H.H