Thổ nhưỡng phì nhiêu hiếm có đã tạo nên những quả bí đao khổng lồ, nặng bằng một người lớn, khiến người dân ở Bình Định phải mắc võng cho bí “ngủ”. Điểm đáng lưu tâm nữa là làng trồng bí này gắn với 1 truyền thuyết.
Theo Dân Việt, những ngày qua, người dân ở thôn Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang tất bật cho công việc thu hoạch bí đao “khủng” và tìm đầu ra cho sản phẩm này.
Người dân địa phương cho biết bí đao thường được xuống giống từ cuối tháng 11, đầu tháng Chạp và bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 4 âm lịch, khi mỗi quả đã đạt trọng lượng 50-60 kg. Để bí đao không bị rớt xuống đất người dân làm võng tự chế cho bí “ngủ”.
Vì địa phương nổi tiếng trồng bí đao có trọng lớn lớn nên nhiều người dân hay quen gọi là “làng bí đao khổng lồ”.
Anh Phong, người dân xã Mỹ Thọ, chia sẻ bản thân anh cũng không hiểu vì sao bí đao trồng ở đất này lại có trọng lượng lớn như vậy. Tuy nhiên, có một điều anh chắc chắn là nơi này hội tụ thổ nhưỡng phì nhiêu mà nơi khác không có. Vì vậy, cùng hạt giống bí đao này nhưng đem đến các nơi khác trồng thì trái rất nhỏ.
Vùng đất này được bao vây bởi núi dựng ba mặt, hướng về phía biển, ở giữa là đầm lầy. Tích xưa kể lại rằng, có một người khổng lồ đã gánh hai quả núi ngăn dòng thủy quái, đến nơi này thì đòn gánh gãy nên núi rơi xuống. Mùa lũ, đất núi lở theo nước chảy ồ ạt xuống lòng sông, lắng lại phù sa. Cho đến nay, Chánh Trạch vẫn là vùng trũng thấp, mỗi mùa lũ, phù sa tiếp tục vun đắp thêm màu mỡ.
Cân nặng vừa là điểm độc đáo nhưng cũng gây khó khăn khi thu hoạch. Theo Vnexpress, để “rước” được một quả bí xuống phải cần đến hai, ba người xúm lại góp sức. Thu hoạch xong, khâu tiêu thụ cũng lắm công phu.
Năm trước, bí đao khổng lồ bán được giá 4.000 đồng/kg, một sào bí thu nhập đến 15 triệu đồng. Song theo người dân địa phương, bí tiêu thụ rất chậm.
Chị Kiều Uyên, gia đình có hơn 2 sào bí khổng lồ, than thở năm nay chị đã tích cực rao trên mạng nhưng chẳng có mấy người đến hỏi mua. Nếu bán không hết thì phải chẻ ra phơi khô, nấu nước uống.
Tuy nhiên, 2 năm nay, làng bí đao dần nổi tiếng trên truyền thông. Một công ty du lịch đã liên kết với các nhà vườn để triển khai tour du lịch cộng đồng đến làng quê này nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho bà con. Theo đó, công ty du lịch sẽ trả phí tham quan cho người dân. Ngoài ra, du khách cũng mua bí đao và sản phẩm từ khác như mứt bí, nước bí mang về.
Nguyễn Trang