Đập thủy điện Pak Lay sẽ được xây dựng tại tỉnh Xayaburi thuộc Bắc Lào và hoạt động liên tục quanh năm với công suất 770 MW. Dự kiến, đập thủy điện này bắt đầu xây dựng vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2029.
Ngày 18/6, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã nhận được thông báo chính thức từ Chính phủ Lào về việc thực hiện quy trình tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pak Lay, theo Người Lao Động.
Đập Pak Lay được xây dựng tại tỉnh Xayaburi thuộc Bắc Lào. Đây là thủy điện không điều tiết, hoạt động liên tục quanh năm với công suất 770 MW.
Thanh Niên dẫn lời Chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện, dự kiến con đập này sẽ vận hành vào năm 2029, trong khi đó thế giới dự báo rằng đến năm 2020 giá điện mặt trời sẽ đủ sức cạnh tranh với thủy điện.
Với xu hướng điện mặt trời và năng lượng tái tại ngày càng rẻ đi, thì đến khi đập Pak Lay đi vào vận hành, giá điện sẽ đắt hơn rất nhiều so với điện mặt trời. Đây sẽ là một thất bại lớn về kinh tế cho nhà đầu tư. Nếu tính luôn các tác động về môi trường và xã hội cho cả lưu vực thì lại là một quyết định đáng tiếc của Chính phủ Lào.
Theo ông Thiện, từ đầu năm đến nay, đã có tới 6.000 MW hợp đồng tiêu thụ điện mặt trời được ký kết ở các quốc gia Mê Kông.
Theo Zing, thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 thủy điện, trong đó khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng, gia tăng nguy cơ gây sạt lở và xói mòn ở hạ lưu.
Gần đây, Trung Quốc, Lào và Campuchia đã quy hoạch hơn 20 đập thủy điện. Trong đó Trung Quốc đã xây được 8 đập ở thượng nguồn. Lào và Campuchia có kế hoạch xây 11 đập ở hạ nguồn. Mới đây, Lào tuyên bố xây dựng đập Pak Beng – đập thủy điện lớn thứ 3, sau đập Xayaburi và Don Sahong, bất chấp sự phản đối từ phía các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Theo một báo cáo của Ủy ban Sông Mekong, nếu cả 3 công trình thủy điện của Lào kể trên đi vào hoạt động, thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng, xâm nhập trên sông xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu lấn sâu vào từ 2,8-3,8 km.
Với viễn cảnh không xa, khi cả chuỗi 11 đập thủy điện hoạt động thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu khoảng từ 10-18 km.
Vũ Loan