Bên cạnh những trận đấu hấp dẫn, trái bóng của các mùa World Cup cũng khiến người hâm mộ quan tâm đặc biệt.
World Cup 1930 (Uruguay)
World Cup đầu tiên diễn ra tại Uruguay không có quả bóng chính thức nào. Ở trận chung kết, Uruguay và Argentina đều muốn dành trái bóng cho đội tuyển mình. Kết quả là dùng bóng của mỗi nước cho mỗi hiệp: bóng “Tiento” của Argentina cho hiệp 1 và đội này dẫn 2-1, bóng “T-Model” của Uruguay (to và nặng hơn) cho hiệp 2 và đội chủ nhà thắng ngược 4-2. Uruguay chính thức ghi tên mình trở thành nhà vô địch World Cup đầu tiên trong lịch sử.
World Cup 1934 (Italy)
World Cup lần thứ 2 được tổ chức ở Italy. Lúc này vẫn còn nằm dưới quyền kiểm soát của Mussolini.
Phân xưởng trong nước có tên ECAS (Ente Centrale Approvvigionamento Sportivi) ở thành phố Rome đã nhận trách nhiệm sản xuất quả bóng “Federdale 102” nhẹ, mềm mại hơn cho giải đấu (tuy vẫn là gia công bằng tay). Tuy nhiên, một số trận đấu trong giải vẫn dùng bóng được sản xuất ở Anh.
World Cup 1938 (Pháp)
Nhà sản xuất bóng đá Allen có trụ sở ở Paris, Pháp làm nên quả bóng có tên “Allen” phục vụ cho World Cup 1938 diễn ra tại nước này. Về mặt hình thức, Allen không khác Federdale nhiều lắm, tuy nhiên quả bóng được ghép từ 13 mảnh thay vì 12 như trước đây. Một điểm thú vị nữa là bóng được tạo dáng với những mảnh ghép bo tròn hơn và trở thành một chuẩn mực sản xuất cho tất cả phiên bản sau này.
World Cup 1950 (Brazil)
Bóng ma chiến tranh đã khiến giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh này phải mất 12 năm mới được tổ chức lại lần nữa. Khoảng cách hơn một thập kỷ cũng chứng kiến sự thay đổi trong thiết kế quả bóng.
Quả bóng chính thức của World Cup 1950 có tên là Duplo-T được sản xuất bởi Superball với thiết kế hoàn toàn mới đó là không sử dụng dây cột nữa nhờ cơ chế bơm bóng bằng kim bơm và hơi. Đây là cơ chế được sử dụng cho đến ngày nay.
World Cup 1954 (Thụy Sĩ)
World Cup năm 1954 được tổ chức tại Thụy Sỹ cùng quả bóng Swiss World Champion thiết kế cải tiến với 18 mảnh được ghép bằng những đường khâu zigzag bên trong. Thiết kế này còn được kế thừa đến vài thập niên sau.
Có một điều thú vị là FIFA ở World Cup này quyết định không cho phép nhà sản xuất bóng là Kost Sport (ở thành phố Basel, Thụy Sĩ) được in thông tin thương hiệu lên bóng.
World Cup 1958 (Thụy Điển)
FIFA đã mở hẳn một cuộc tuyển chọn bằng cách yêu cầu những hãng tham gia gửi mẫu bóng không nhãn hiệu. Cuối cùng, người chiến thắng là công ty đến từ Angelholm, Thụy Điển với quả bóng có 24 mảnh ghép.
World Cup 1962 (Chile)
Crack – tên quả bóng được dùng cho World Cup tại Chile sản xuất bởi Custodio Zamora, một công ty nội địa. Quả bóng có 18 mảnh ghép với hình thù không đồng nhất. Nó không được đón nhận đặc biệt là từ những đội bóng đến từ Châu Âu.
World Cup 1966 (Anh)
Ở World Cup 1966 diễn ra tại Anh, FIFA lại tổ chức một cuộc tuyển chọn lớn khác để tìm được công ty sản xuất bóng thật sự tốt cho giải đấu này. Công ty Slazenger với quả Challenge 4-star được tạo thành từ 18 mảnh ghép đã chiến thắng 110 ứng cử viên để trở thành bóng thi đấu chính thức.
World Cup 1970 (Mexico)
1970 đánh dấu bước chân đầu tiên của Adidas vào quãng đường hợp tác lâu dài cùng FIFA sau những ấn tượng họ tạo ra tại vòng chung kết Euro 1968.
Và kết quả là quả bóng Telstar ra đời, trở thành một biểu tượng cho đến tận bây giờ. Telstar với 32 mảnh ghép lục giác trắng và ngũ giác đen trở thành hình ảnh đặc trưng mỗi khi chúng ta nghĩ đến bóng đá.
World Cup 1974 (Đức)
Với sự thành công rực rỡ của Telstar, quả bóng mới Telstar Durlast không có quá nhiều sự thay đổi mà chỉ được tráng lớp sơn bảo vệ trên da bóng, tăng độ “bóng bẩy” và chống chịu sự ẩm ước và chống hao mòn.
Adidas khi này đã trở thành đối tác chính thức của FIFA nên được phép để tên trên quả bóng. Đây cũng là tiền đề cho việc quả bóng “cháy hàng” tại những cửa hiệu thể thao thời bấy giờ.
World Cup 1978 (Argentina)
Quả bóng được dùng cho World Cup 1978 tại Argentina được đặt tên theo điệu nhảy nổi tiếng tại quốc gia này – Tango. Tango có thiết kế tương tự Telstar nhưng thay vì những mảnh trắng đen đơn thuần, những mảnh lục giác đã được thiết kế thành những mảnh tam giác màu đen, tạo ra hiệu ứng thị giác khi lăn trên sân.
World Cup 1982 (Tây Ban Nha)
Tango Espana trông có vẻ giống Tango nhưng thật ra đã được cải tiến rất nhiều, nhất là độ bền và khả năng chống nước. Lớp Durlast đã được thay thế bằng một lớp polyurethane (PU) – đây cũng là cải tiến bước ngoặt cho việc thay thế da tự nhiên trong sản xuất bóng đá.
World Cup 1986 (Mexico)
Azteca có thiết kế tương tự Tango, tuy nhiên tam giác màu đen đã được thay bằng những họa tiết lấy cảm hứng từ kiến trúc Aztec cổ xưa.
Phiên bản “Azteca” ở World Cup 1986 đánh dấu lần đầu tiên quả bóng đá dùng tại World Cup được làm bằng chất liệu tổng hợp. So với chất liệu da, chất liệu này có ưu điểm là khả năng chống biến dạng cao ở nhiều tác động lực khác nhau ở bất kỳ góc độ nào, cũng như chống nước tốt và bền hơn.
World Cup 1990 (Italy)
Tiếp tục truyền thống thể hiện bản sắc quốc gia chủ nhà trên quả bóng, Etrusco Unico được đặt tên dựa theo Etruscans, một dân tộc cổ ở Ý.
World Cup 1994 (Mỹ)
Thiết kế của Questra dựa trên chủ đề du hành không gian – vốn là một chủ đề đại diện cho hình ảnh nước Mỹ – chủ nhà năm đó. Quả bóng lần này cũng được tráng thêm một lớp chất polystyrene được cho là sẽ giúp bóng dễ điều khiển và bay nhanh hơn.
World Cup 1998 (Pháp)
World Cup 1998 ở Pháp là giải đấu đầu tiên quả bóng chính thức có tên “Tricolore” không mang phối màu trắng đen quen thuộc nữa mà thay vào đó là áo mới với 3 màu xanh dương, trắng, đỏ như màu cờ Pháp.
World Cup 2002 (Hàn Quốc – Nhật Bản)
World Cup năm 2002 là lần đầu tiên giải đấu này tổ chức ở Châu Á và cũng là lần đầu thiết kế của bóng có tên “Fevernova” là tam giác lớn cách điệu với nhiều màu sắc.
Adidas cũng bắt đầu có những thử nghiệm đặc biệt dành cho quả bóng này, mà theo rất nhiều cầu thủ, khiến nó nhẹ hơn bất kỳ quả bóng nào dù thực tế quả bóng này nặng “chạm nóc” quy định của FIFA.
World Cup 2006 (Đức)
Tên của quả bóng là “Teamgeist” tạm dịch “Tinh thần đồng đội”, một đặc điểm mà nhiều người gán cho đội chủ nhà Đức. Phiên bản bóng này chỉ có 14 mảnh và được cho là giúp bóng đạt độ tròn và chắc chắn cao hơn.
Hiệu ứng “knuckleball” khiến cho quả bóng bay với một quỹ đạo cực kỳ khó lường, khiến cho những cú sút xa trở thành thứ vũ khí nguy hiểm cho các đội bóng.
World Cup 2010 (Nam Phi)
World Cup đầu tiên tổ chức tại châu Phi cũng chứng kiến quả bóng Jabulani “tròn trịa” nhất với chỉ 8 mảnh ghép.
Với ít mảnh ghép như vậy, quả bóng giảm thiểu độ ma sát nên tạo ra tốc độ bay còn nhanh hơn Teamgeist. Jabulani phải nhận nhiều lời chê bai từ các thủ môn, ngay cả Casillas dù rằng Tây Ban Nha là đội vô địch.
World Cup 2014 (Brazil)
Brazuca của World Cup 2014 phần nào lấy lại thể diện của Adidas. Với chỉ 6 mảnh ghép và hình ảnh thiết kế với nhiều màu sắc sặc sỡ đúng với bản sắc của nước chủ nhà, đây là phiên bản bóng đầu tiên được đặt tên bởi người hâm mộ.
World Cup 2018 (Nga)
Tháng 11/2017, Adidas cho ra mắt quả bóng Telstar 18 – đây được xem là bản thiết kế lại của quả bóng Telstar 1970. Màu sắc trên quả bóng cũng quay trở lại với trắng và “50 sắc thái” đen.
Giống Brazuca, Telstar 18 cũng chỉ có 6 mảnh ghép nhưng với hình dáng hoàn toàn khác. Quả bóng được thử nghiệm ở các giải đấu chính thức như U20 thế giới. Tuy nhiên cho đến nay, khá nhiều nhận xét tiêu cực được đưa ra như việc quá trơn và rung lắc rất nhiều khi bay.
Nguyễn Hiệp