Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vừa cảnh báo nhân viên về nguy cơ nguồn tiền duy trì hoạt động của tổ chức này đang dần cạn kiệt và kêu gọi các quốc gia thành viên nhanh chóng đóng góp.
Trong thư gửi đến các quốc gia thành viên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ngân sách duy trì hoạt động của Liên Hợp Quốc (Liên Hợp Quốc) tính đến ngày 30/6/2018 đã bị thâm hụt 139 triệu USD.
Đây là lần đầu tiên tổ chức này phải đối mặt với tình trạng ngân sách bị âm.
“Một tổ chức như chúng ta không thể bị thiếu tiền hết lần này đến lần khác. Thiệt hại nhiều hơn chính là các đối tượng mà Liên Hợp Quốc phục vụ và giúp đỡ”, ông Guterres viết trong thư.
Theo Reuters, vào tháng 12/2017, Ủy ban ngân sách của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí dành ra 5,4 tỷ USD làm nguồn tiền duy trì hoạt động cho giai đoạn 2018-2019, giảm 285 triệu USD so với giai đoạn 2016-2017. Hoạt động gìn giữ hòa bình được tài trợ riêng.
Ông Guterres cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc Liên Hợp Quốc thiếu hụt ngân sách do các quốc gia thành viên không nộp khoản đóng góp ngân sách thường niên đúng hạn.
Hiện đã có 112 trong tổng số 193 quốc gia thành viên đóng phần của mình. Tính đến cuối tháng 6/2018, số tiền mà 112 nước thành viên Liên Hợp Quốc đã đóng góp trong năm 2018 là 1,494 tỷ USD, thấp hơn so với mức 1,701 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Liên Hợp Quốc được thành lập năm 1945, gồm 193 quốc gia thành viên. Theo Điều 17 trong Điều lệ Liên Hợp Quốc, mỗi quốc gia thành viên có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách thường xuyên của tổ chức này. Ủy ban Đóng góp được giao nhiệm vụ quyết định số tiền mỗi nước chi cho tổ chức.
Hàng năm, Mỹ đóng góp 22% ngân sách cho Liên Hợp Quốc, nhưng thường cấp tiền trễ hơn. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách giảm tỷ lệ đóng góp của Washington cho khoản ngân sách này.
Đứng vị trí thứ hai là Nhật Bản với 9,68%, tiếp theo là Trung Quốc (7,921%), Đức (6,389%), Pháp (4,859%) và Anh (4,463%). 18 quốc gia đóng góp nhiều hơn 1% cho ngân sách Liên Hợp Quốc, trong khi 135 quốc gia khác đóng góp dưới 0,1%.
Hồi cuối năm 2017, phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc tuyên bố họ đã thảo luận và nhất trí cắt giảm 285 triệu USD trong số tiền đóng góp cho ngân sách Liên Hợp Quốc trong giai đoạn 2018-2019.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho rằng “đây là một bước đi lớn theo đúng hướng” và nói thêm rằng họ sẽ không để “sự hào phóng của người dân Mỹ bị lợi dụng và không được kiểm soát”.
Trước tình hình này, Tổng thư ký Guterres bày tỏ lo ngại với nhân viên về một xu hướng không khả quan rằng Liên Hợp Quốc sẽ chịu cảnh nợ nần lâu hơn. Ông đã quyết tâm cắt giảm chi phí để giảm chi tiêu của tổ chức.
Theo quy định của Liên Hợp Quốc, nếu một quốc gia nợ số tiền bằng hoặc cao hơn khoản đóng góp mà họ phải đóng trong 2 năm trước đó, họ sẽ mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng, trừ khi nước này chứng minh được việc góp tiền vượt quá khả năng của mình.
Hiện số tiền nợ của Comoros, Guinea Bissau, Sao Tome và Principe cùng Somalia đều không nhỏ, nhưng họ vẫn chưa bị tước quyền bỏ phiếu.
Kiều Ngọc