Lo ngại phải gánh khoản nợ lớn, Pakistan đã cắt giảm khoảng 2 tỷ USD quy mô của dự án “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc tại đất nước này.
Theo tờ The Economic Times, “Con đường tơ lụa” là dự án đường sắt lớn nhất Pakistan với chiều dài 1.872 km, chạy từ thành phố Karachi cho đến thành phố Peshawar. Dự án này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) của Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Ban đầu, dự án đường sắt trên có tổng trị giá 8,2 tỷ USD, nhưng những tranh cãi về số tiền này trong nội bộ chính phủ Pakistan đã khiến nó bị trì hoãn.
Những thay đổi về chi phí thi công là một phần trong nỗ lực của chính quyền Islamabad nhằm xem xét lại các dự án BRI tại Pakistan.
Trung Quốc đã cam kết đầu tư khoảng 60 tỷ USD vào Pakistan thông qua BRI, nhưng chính phủ của Thủ tướng Imran Khan dường như đang thận trọng hơn về các khoản đầu tư của Trung Quốc.
“Pakistan là một nước nghèo và không đủ khả năng chịu gánh nặng khổng lồ từ các khoản vay. Vì vậy, chúng tôi đã giảm khoản vay của Trung Quốc theo Hành lang kinh tế Pakistan – Trung Quốc (CPEC) cho các dự án đường sắt từ 8,2 tỷ USD xuống còn 6,2 tỷ USD”, Bộ trưởng Đường sắt Pakistan, ông Sheikh Rasheed, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Lahore.
Ông Rasheed cho biết chính phủ Pakistan vẫn cam kết thực hiện dự án Đường sắt ML-1 nối thành phố Karachi với Peshawar, nhưng muốn giảm thêm chi phí xuống còn 4,2 tỷ USD chứ không phải 6,2 tỷ USD.
Trước đó, Mỹ đã chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường và cảnh báo rằng các khoản vay có thể biến thành “bẫy nợ” cho các nước nghèo. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc này và nói rằng các khoản vay là một phương thức hợp tác đôi bên cùng có lợi.
“Dự án Hành lang kinh tế Pakistan – Trung Quốc giống như xương sống của Pakistan, nhưng mắt và tai của chúng tôi đang mở rất rõ”, ông Sheikh Rasheed nhấn mạnh.
Theo nhiều nguồn tin địa phương, tuyến đường sắt ML-1 là cột sống của mạng lưới đường sắt của Pakistan, cũng là nguồn thu lớn nhất của quốc gia này. Hệ thống đường sắt của Pakistan đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ qua khi số lượng hành khách giảm mạnh, các tuyến tàu và các tuyến vận chuyển hàng hóa quan trọng trên cả nước đều đóng cửa.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)