Đại Kỷ Nguyên

Sợ tổn thất bởi chiến tranh thương mại, nhiều công ty nước ngoài chạy khỏi Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để "né" thuế suất cao do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. (Ảnh: Bloomberg)

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc khi nhiều công ty nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại đây đã bắt đầu rời khỏi “công xưởng của thế giới” để chuyển đến các nước Đông Nam Á, nơi có giá thành rẻ hơn.

Chia sẻ trên tạp chí Forbes ngày 30/7, ông Nathan Resnick – nhà điều hành công ty khởi nghiệp Sourcify – cho biết nhiều nhà sản xuất đặt cơ sở tại Trung Quốc đang tìm đường rời khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới này.

“Trong bối cảnh cuộc chiến về thuế quan ngày càng gay gắt, các công ty không còn hứng thú để sản xuất tại Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi có các dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Mexico. Giá nhân công ở những khu vực bên ngoài Trung Quốc thậm chí còn rẻ hơn. Vì vậy, phần lớn các công ty may mặc cần nhiều lao động đã chuyển khỏi Trung Quốc”, ông Nathan Resnick nói.

Ngoài ra, ông Nathan Resnick còn cho biết thêm giá thành sản xuất ở Trung Quốc ngày càng đắt đỏ, cộng thêm thuế suất cao do cuộc chiến thương mại với Mỹ, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ chọn chuyển đến nơi khác để sản xuất thay vì ở lại đại lục để gánh chịu tổn thất.

Thực tế, không chỉ các công ty nhỏ, ngay cả những tập đoàn lớn như Kerry Logistics Network cũng phải chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế suất cao.

Tờ SCMP dẫn lời ông William Ma Wing-kai, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Kerry, cho biết nhiều khách hàng của họ cũng đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các quốc gia Châu Á khác nơi họ đã có nhà máy sản xuất. Đây là một sự tái phân bổ cơ sở sản xuất trên toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển giao các dây chuyền lắp ráp theo hướng tự động hóa, đưa ngành chế tạo giá thành rẻ sang các nơi khác như Việt Nam. Trung Quốc hiện là một trong những nước sản xuất robot sử dụng trong dây chuyền lắp ráp lớn nhất thế giới. Với việc Trung Quốc nâng cao các chuỗi giá trị, những ngành nghề cũ như may mặc đang dần dần rời khỏi quốc gia này. Thêm vào đó, cùng với việc thuế suất cao ập tới, các công ty càng đẩy nhanh tiến độ tháo chạy khỏi nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp nước ngoài, nhiều công ty chế tạo Trung Quốc vốn đã đứng trước áp lực về chi phí lao động đắt đỏ, nay chính sách thuế quan của Mỹ càng khiến giá thành sản xuất của họ tăng cao.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đã bị sụt giảm lớn do cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể trụ vững trước các đòn tấn công liên tiếp của ông Donald Trump.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang có nguy cơ leo thang căng thẳng khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị tăng thuế nhập khẩu thêm 10% đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, nhiều khả năng có hiệu lực từ tháng 9/2018. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đe dọa sẽ đáp trả bằng các biện pháp riêng của nước này.

Dựa trên danh mục 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc sắp bị tăng thuế cho thấy Washington đang nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu then chốt của ngành chế tạo Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm điện tử, dệt may, sản phẩm kim khí và phụ tùng xe hơi.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 19/7, ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẵn sàng đánh thuế toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo vệ lợi ích chính đáng của nước Mỹ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, cố vấn của Tổng thống Donald Trump, ông Steve Bannon cho biết chính sách dân tộc chủ nghĩa của Nhà Trắng cuối cùng là nhằm tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu để có lợi hơn cho ngành chế tạo của Mỹ.

Vỹ An

Exit mobile version