Đại Kỷ Nguyên

Đề xuất hạn chế nhập xăng từ nước ngoài do lo ngại nhà máy Nghi Sơn ế ẩm

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ vận hành thương mại trong tháng 8 hoặc tháng 9/2018. (Ảnh: Lao động)

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, dù chưa vận hành thương mại chính thức, song thời gian qua Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải gửi xăng dầu tại một số kho ở miền Trung. Hiện tượng này nếu tiếp tục xảy ra sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và thu ngân sách của tỉnh.

Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các Bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, ông Nguyễn Đình Xứng, đã đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam để ưu tiên sử dụng xăng dầu của nhà máy Nghi Sơn sắp vận hành.

Nguyên nhân là bởi dù chưa vận hành thương mại chính thức, song thời gian qua nhà máy Nghi Sơn đã phải gửi xăng dầu tại một số kho tại miền Trung.

Dân trí dẫn lời lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, với tiến độ vận hành hiện nay, nhiều khả năng trong tháng 8 hoặc tháng 9/2018, nhà máy Nghi Sơn có thể vận hành thương mại.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án trọng điểm của Thanh Hóa. Giá trị sản xuất công nghiệp nhà máy này dù chưa vận hành thương mại nhưng đã đóng góp 14% vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Lo ngại xăng dầu Nghi Sơn có nguy cơ bị ế ẩm, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.

Tháng 5/2018, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã xuất xưởng hơn 5.000 mét khối xăng RON 92. Đây là lô sản phẩm thương mại đầu tiên của nhà máy, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và đã được xuất bán ngay cho các đối tác thương mại để phục vụ nhu cầu tại thị trường Việt Nam.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD. Công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi.

Dự án này do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã nhập khẩu hơn 7 triệu tấn xăng dầu, trị giá 4,61 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, giá xăng dầu trong nước trong những tháng qua liên tục leo thang. Sau lần điều chỉnh gần đây nhất (22/6), giá xăng, dầu tạm thời hạ nhiệt. Tuy nhiên, do tác động của vài lần tăng liên tiếp trước đó, giá xăng E5 RON 92 trong nước hiện vẫn ở sát mốc 20.000 đồng/lít trong khi giá xăng RON 95 đã vượt mức 21.000 đồng/lít.

Vỹ An

Exit mobile version