Đại Kỷ Nguyên

Lốc xoáy làm sập, tốc mái nhiều nhà dân và phòng học tại Cà Mau

Ba phòng chức năng của Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Phi Hùng bị tốc mái. (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng).

Mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập, tốc mái 3 phòng chức năng của trường THPT Huỳnh Phi Hùng và 6 nhà dân ở Cà Mau.

Lốc xoáy xảy ra lúc khoảng 1 giờ sáng ngày 5/7 làm tốc mái 3 phòng chức năng của Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Phi Hùng; 6 nhà dân bị sập và tốc mái tại khu vực thị trấn Trần Văn Thời. Lốc xoáy cũng làm đổ, gãy 3 trụ điện gây mất điện cục bộ, theo Sài Gòn Giải Phóng.

Trước đó, ngày 8/6, một cơn lốc xoáy kèm theo mưa lớn cũng đã xảy ra tại Cà Mau, khiến nhiều nhà dân tại ấp Đường Kéo (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) bị tốc mái, theo Báo Cà Mau.

Mới bước vào mùa mưa nhưng mưa giông, lốc xoáy đã làm tốc mái, sập nhà 10 hộ dân trên ở huyện Ngọc Hiển. (Ảnh: Báo Cà Mau)

Ngày hôm qua (4/7), mưa giông kèm lốc xoáy đã làm hơn 300 căn nhà ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc (Long An) bị sập, tốc mái. Rất may, vụ việc không có thiệt hại về người.

Nam Bộ đang ở trong mùa mưa và giông, lốc xoáy thường xuyên xuất hiện gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản. (Ảnh: VnExpress)

Nam bộ đang bước vào mùa mưa và hiện tượng giông, lốc xoáy bất ngờ sẽ thường xảy ra. Nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, người dân khu vực Nam bộ nên thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn và giông lốc, để chủ động phòng tránh.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm dự báo khí tượng và Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa giông mạnh; ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động.

Như Quỳnh

Exit mobile version