Tại sao những vụ bạo hành trẻ vẫn liên tục diễn ra? Biện pháp nào để chặn đứng vấn nạn nhức nhối này?Lời giải nào để không còn cảnh những đứa trẻ bị hành hạ?
Vừa qua, trước phản ảnh của bạn đọc về cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (trên đường HT05, P. Hiệp Thành, Q.12, TP. HCM) xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, qua tìm hiểu đã phát hiện sự thật đau lòng, theo Tuổi trẻ.
Được biết, cơ sở này do bà Phạm Thị Mỹ Linh (hơn 40 tuổi) quản lý cùng hai “bảo mẫu” là Quỳnh và Đào (đều hơn 20 tuổi). Tùy thời điểm, nơi này dao động 30-40 trẻ, các bé từ gần 2 tuổi đến 5 tuổi. Phụ huynh gửi trẻ phần lớn là công nhân làm việc tại những công ty quanh khu vực.
Trẻ ăn, tắm, ngủ… trong nước mắt
Một buổi sáng, tại cổng lớp, bà Linh giơ tay đánh liên tiếp vào một bé trai và “dạy” bé này vòng tay lại “chào cô”. Bé khóc nức nở vừa vòng tay chào thì bà Linh đánh thêm mấy cái. Trưa cùng ngày, một bé gái ngồi tại khu vực các “bảo mẫu” đang lau nhà, bà Linh từ phía sau đi lên cầm bình nhựa đập bôm bốp vào vai và đầu bé khiến bé khóc thét.
Thấy vậy, một nhân viên can ngăn: “Thôi chị đừng đánh nữa”. Bà Linh nói lớn: “Em có coi được không? Em cứ làm đi, em coi được không?”. Nhân viên tiếp tục ngăn thì bà này đốp liền: “Cô dạy tôi hả? Cô làm giỏi chưa? Cô quản được chưa?”.
Cùng ngày, một bé trai trong lúc bước lên phòng học thì bà Linh bất ngờ đạp từ phía sau. Bé chúi người bật khóc thì bà này lớn tiếng: “Khóc hả, câm cái miệng lại”. Khi xếp chỗ cho các bé, bà Linh tát vào đầu một bé trai, cầm một tay bé này nhấc bổng đặt lên ghế sát tường. Tiếp đến, bà dùng tay đánh vào đầu bé trai khác đang đứng. Hai bé trai đều mếu máo khóc.
Khi các bé nô đùa trong giờ sinh hoạt thì bà Linh giơ tay đánh liên tiếp vào đầu một bé trai và một bé gái. Bị bà Linh đánh thêm một cái vào mặt, bé gái há hốc miệng giơ tay vuốt mặt khóc.
Một buổi sáng khác, một bé trai làm rơi thức ăn vào áo của bà Linh liền bị bà giơ tay đánh, bé mếu máo khóc. Ngay sau đó, bé gái gần 2 tuổi đứng bên cạnh cũng bật khóc do bị bà này tát vào mặt.
Chưa dừng lại, bà Linh tát vào miệng một bé gái khác rồi chỉ tay vào mặt bé: “Đừng có ói nha, ói là cô tát cái miệng liền, nhớ không? Nhớ không?” Bé gái này lấy tay che miệng giọng lí nhí: “Nhớ…”.
Chưa đầy 10 phút, một bé gái khác khóc không rõ lý do, bà Linh bước đến giơ tay đánh vào đầu rồi vả vào mặt. Bé khóc ré. Lát sau, bé này tiếp tục bị bà Linh vả vào mặt. Bé khóc to hơn, bà vội xách hai tay bé nhấc bổng đưa vào phòng bên trong.
Bà Linh nhiều lần đánh trẻ trong lúc trẻ ăn, tắm rửa và trước khi ngủ trưa. Có thời điểm, khi nhiều trẻ đang ngồi ăn trên nền nhà thì bà Linh cầm con dao (bản rộng khoảng 10cm) từ phía bếp đi lên đập “đét” một cái vào đầu bé trai rồi bảo bé này đứng lên ăn.
Tại khu tắm rửa ở phía sau lớp học, bà Linh nhiều lần đánh trẻ. Hai bé gái (gần 2 tuổi) ngồi tại nơi tắm rửa thì bà Linh bước tới vung tay đánh mạnh nhiều cái vào lưng. Một trong hai bé đang khóc, bà đánh bằng muỗng và đấm vào lưng.
Chưa đầy 20 phút sau, một trong hai bé gái trên đang nằm cạnh chỗ bà Linh ngồi ăn trái cây thì bất ngờ bị bà vỗ vào đùi. Bé bật khóc, bà Linh kéo bé nằm quay mặt vào tường. Chốc lát, bé gái lồm cồm đứng dậy liền bị bà giơ tay đánh vào người. Bé lại òa khóc, bà cầm hai tay nhấc bổng đặt mạnh xuống nền nhà, vung tay đánh khiến bé khóc thất thanh.
Đủ kiểu đày đọa
Quỳnh và Đào thường dùng các vật dụng như dép, cây, vá múc canh, muỗng, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà… “dạy” trẻ.
Đối với các bé hiếu động trong giờ ăn và học, Đào thường cầm cây đánh liên tục vào lòng bàn tay, bàn chân. Có thời điểm chưa đến một phút, Đào lần lượt nhấc bổng chân hai bé trai và một bé gái rồi cầm cây vụt liên tiếp vào lòng bàn chân.
Một bé trai và một bé gái chưa đầy 2 tuổi thường xuyên phải ngồi bô và bị bà Linh đánh. Quỳnh giải thích, do hai bé đi vệ sinh nhiều lần, không có thời gian thay quần áo cho bé nên cho ngồi bô như vậy.
Theo Quỳnh, quần áo mang theo hằng ngày của hai bé dù sạch nhưng cũng được xả ướt để phụ huynh nghĩ rằng các cô đã thay quần áo, che giấu việc các bé phải ngồi bô mỗi ngày.
Vả vào miệng trẻ là cách để giữ “trật tự” ở cơ sở mà bà Linh bày cho “bảo mẫu” Quỳnh. Vào một buổi trưa, bà Linh nói với Quỳnh: “Con mà nghe đứa nào nói con vả vào cái mỏ nó đi, đập cho nó ngậm cái họng nó lại, vả cho nó tét cái họng nó đi…”
Vài phút sau, một bé trai vừa cầm cái nắp nồi bước xuống bếp liền bị bà Linh với tay đánh vào lưng. Bé mếu máo thì bà này cầm nắp nồi đập “bốp” vào bụng bé.
Bé trai tên K. (gần 5 tuổi) nhiều lần bị các “cô” đánh. Sáng sớm khi vừa đến lớp, K. đang ngồi trên ghế đá thì bị bà Linh cố ý ngồi lên chân. Bé này nhăn nhó vùng vẫy rút chân ra thì bị bà Linh đấm mạnh vào chân rồi bảo K. phải phủi quần cho mình. Dù khóc ré và cố ôm chân lại nhưng K. vẫn bị bà Linh cầm chân đập nhiều lần xuống ghế đá.
“Chị thấy chị làm việc như vậy là chị quá sai rồi”
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo P. Hiệp Thành (Q.12, TP. HCM) cho biết, đã chỉ đạo phường phối hợp với Phòng GD&ĐT Q.12 kiểm tra cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, đồng thời, nhắc nhở cơ sở này không để xảy ra sự việc đánh trẻ.
Theo vị lãnh đạo này, cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh được cấp phép hoạt động, đến nay phường chưa nhận được phản ảnh của người dân về sự việc nêu trên.
Khi xem hình ảnh bạo hành trẻ qua clip, bà Phạm Thị Mỹ Linh, quản lý cơ sở mầm non này im lặng trong vài phút rồi cho rằng hành động của mình đã “quá sai” trong lúc nóng giận nhất thời và có lỗi với trẻ và phụ huynh.
Bà Linh bảo: “Chị thấy chị làm việc như vậy là chị quá sai rồi”. Và cho rằng: “Một phút nóng nảy mà để ra chuyện như vậy rất là đau lòng”.
Thông tin sẽ tiếp tục được cập nhật.
Thế Tam