Từ ngày 1/1/2019, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp sẽ tăng thêm từ 160.000 đến 200.000 đồng mỗi tháng.
VnExpress thông tin, nội dung nói trên trong nghị định số 157 quy định về mức lương tối thiểu vùng từ năm 2019 vừa được Chính phủ ban hành.
Như vậy, mức lương tối thiểu mỗi tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp vùng I là 4.180.000 đồng, vùng II là 3.710.000 đồng, vùng III là 3.250.000 đồng, vùng IV là 2.920.000 đồng. So với mức lương tối thiểu vùng hiện nay, lương mới cao hơn 160.000-200.000 đồng mỗi tháng tùy theo khu vực.
Mức lương này sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2019.
Theo Zing, khu vực áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động sẽ không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người làm công việc giản đơn nhất và phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Thông tin từ VnExpress cho thấy, mức chi tiêu tối thiểu của người lao động là 6,5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi đó tiền lương cơ bản họ nhận được trung bình là 4,6 triệu đồng. Người lao động thường phải làm thêm trung bình 28 giờ để nhận được thêm hơn 800.000 đồng mỗi tháng. Qua khảo sát, 17% người lao động cho biết có dư dật và tích lũy; 43% vừa đủ trang trải cuộc sống; 26% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ sống và phải làm thêm giờ |
Minh Tú (Tổng hợp)