Trước đây, quả lựu được bán trên thị trường Việt Nam chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc với mức giá bình dân khoảng 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều nguồn lựu cao cấp với giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn rất hút khách.
Theo Người lao động, các siêu thị và cửa hàng chuyên doanh trái cây nhập khẩu tại Tp.HCM hiện chủ yếu bán lựu nhập khẩu từ Ấn Độ, Nam Phi, Peru với giá khá đắt đỏ, từ 200.000-455.000 đồng/kg.
Tại siêu thị Mega Market An Phú (Quận 2), lựu đỏ từ Peru dù đang được khuyến mại nhưng vẫn có giá 199.900 đồng/kg với kích cỡ khoảng 500 gam/quả. Khách có thể mua lẻ từng quả hoặc mua hộp còn nguyên nhãn mác.
Tại siêu thị U.S Mart (Quận 1), lựu Peru cỡ lớn hơn đang được bán với giá gần 400.000 đồng/kg. Với trọng lượng khoảng 700-800 gam/quả, nhiều quả lựu tại siêu thị này có giá trên 300.000 đồng/quả.
Trước đó, U.S Mart còn bán lựu Ấn Độ với giá 455.000 đồng/kg, kích cỡ lựu nhỏ hơn với trọng lượng khoảng 400-500 gam/quả.
Đại diện US Mart cho biết lựu là một trong những mặt hàng trái cây nhập khẩu bán chạy nhất tại siêu thị. Do nhiều khách hàng đã biết đến loại mặt hàng ở nước ngoài nên họ sẵn sàng rút hầu bao đặt mua dù giá khá cao.
Trên thị trường hiện còn có lựu Trung Quốc với giá bán khá rẻ từ 25.000-30.000 đồng/kg (mỗi kg được khoảng 3-4 quả). Tuy nhiên, người bán lẻ thường quảng cáo là lựu Việt Nam hoặc Thái Lan để dễ bán.
Theo chủ một đầu mối chuyên nhập khẩu trái cây cao cấp cho các siêu thị, cửa hàng, lựu trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc từ nhập khẩu do Việt Nam hầu như không trồng được để bán. Trước đây, lựu phần lớn được nhập từ Trung Quốc và thuộc phân khúc bình dân. Thế nhưng, gần đây thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại lựu cao cấp và bán rất chạy.
Cũng theo vị này, lựu Trung Quốc quả nhỏ, hạt màu hồng nhạt, trong khi lựu từ Peru và Ấn Độ quả to, hạt đỏ và chất lượng khác biệt, giá cả cũng đắt hơn nhiều nên ít bị nhầm lẫn.
Giải thích về việc lựu nhập khẩu từ Ấn Độ, Nam Phi, Peru có giá quá cao, chủ đầu mối nhập khẩu trái cây này cho biết, do số lượng nhập khẩu ít và vận chuyển bằng đường hàng không nên chi phí cao. Bên cạnh đó, những mặt hàng phục vụ trào lưu giá thường cao do nhu cầu người tiêu dùng chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, những mặt hàng phổ thông như nho, táo, kiwi,… có nhiều đơn vị tham gia nhập khẩu, thị trường ổn định nên giá rẻ hơn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2018, người Việt đã chi 659 triệu USD (tương đương 15.000 tỷ đồng) để nhập khẩu các mặt hàng hoa quả ngoại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân mỗi ngày người Việt chi gần 72 tỷ đồng để nhập hoa quả ngoại.
Thái Lan là thị trường được người Việt ưu ái nhập hoa quả nhất với trên 516 triệu USD (gần 12.000 tỷ đồng), chiếm 57% thị phần. Tiếp đến là Trung Quốc chiếm gần 17% thị phần. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng nhập khẩu trái cây từ một số nước khác như Nam Phi, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Ồ ạt nhập khẩu trái cây đang tạo ra một nghịch cảnh là trong khi người tiêu dùng trong nước chi hàng chục nghìn tỷ đồng để mua trái cây ngoại, nhiều loại trái cây của nông dân Việt Nam trồng vào mùa thu hoạch chính vụ bị rớt giá, khó tìm được đầu ra.
Chia sẻ trên Vneconomy, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng cần phải đặt câu hỏi tại sao với những mặt hàng truyền thống Việt Nam có thế mạnh tuyệt đối như trái cây nhiệt đới (xoài, sầu riêng) hay lúa gạo, lại bị tấn công và bị lép vế ngay trên sân nhà.
Theo ông, người tiêu dùng hiện nay đánh giá sản phẩm bằng thị hiếu của họ. Sản phẩm nào ngon, đảm bảo độ an toàn vệ sinh thực phẩm, họ sẽ chọn. Thế nên, câu chuyện thắng – thua ở thị trường trong nước của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào người nông dân và cả người làm chiến lược. Rõ ràng, chiến lược sản xuất và tiêu thụ trái cây của Việt Nam còn bộc lộ nhiều vấn đề yếu kém và cần phải điều chỉnh lại.
Vỹ An