Với lợi thế về chi phí rẻ và địa hình thuận lợi, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước cơ hội trở thành thị trường sản xuất hàng may mặc lớn cho các thương hiệu đến từ Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu may mặc lớn nhất thế giới và được đánh giá cao bởi sự nhanh chóng, đáng tin cậy, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, bản đồ sản xuất hàng may mặc của thế giới có thể sắp được vẽ lại khi ngày càng có nhiều thay đổi diễn ra.
Theo báo cáo của công ty tư vấn McKinsey, chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên cùng với các thương hiệu thời trang phương Tây cần giao hàng nhanh hơn đang khiến họ hướng tới việc sản xuất tại những quốc gia có chi phí thấp và ở gần thay vì Trung Quốc.
Đối với các thương hiệu quần áo ở Mỹ, Mexico dường như là địa điểm sản xuất lý tưởng trong khi Thổ Nhĩ Kỹ đang dần trở thành nơi sản xuất chính cho các nhãn hàng ở châu Âu.
Xu hướng “Near-shoring”
Vào năm 2005, chi phí lao động ở Trung Quốc chỉ bằng 1/10 ở Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, tỷ lệ này là 1/3. Báo cáo của McKinsey đã chỉ ra rằng thuê lao động tại những nước ở gần thị trường sở tại sẽ không tốn nhiều chi phí hơn, thậm chí là rẻ hơn ở Trung Quốc.
Thêm vào đó, vận chuyển cũng là một vấn đề. Chi phí để sản xuất một chiếc quần bò tại Trung Quốc và sau đó vận chuyển đến Mỹ hoặc Đức đắt hơn 12% so với khi sản xuất tại Mexico. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 3% khi nhập khẩu vào Đức.
Nếu sản xuất tại Bangladesh, tỷ lệ chi phí thấp hơn Trung Quốc sẽ là 20% nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico đang chiếm lợi vì họ có thể giao hàng trong vài ngày so với thời gian một tháng của Trung Quốc và Bangladesh.
Một khi nhận được sản phẩm nhanh hơn, các hãng thời trang có thể kiểm tra và mở rộng nhiều kiểu dáng hơn. Điều này không những làm tăng khối lượng và tỷ lệ bán hàng mà còn giúp giảm hàng tồn kho và sự pha loãng thương hiệu do việc giảm giá và thanh lý.
McKinsey ước tính rằng, ngay cả khi áp dụng quy trình sản xuất tự động, chi phí để sản xuất và nhập khẩu quần bò từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ rơi vào khoảng 11,4 USD, trong khi con số này tại Mexico chỉ là 10 USD cộng thêm lợi thế là thời gian vận chuyển nhanh hơn.
Không thể một sớm một chiều
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng để trở thành “Trung Quốc thứ 2” không phải là điều có thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Trên thực tế, cơ sở hạ tầng sản xuất của Trung Quốc đang ở mức mà nhiều quốc gia khác khó theo kịp. Tuy một số thương hiệu đã chuyển một phần sản xuất sang các nước lân cận nhưng để thay đổi trên quy mô lớn sẽ khó khả thi. Điều này chỉ có thể xảy ra cho đến khi những nước đó có thể xây dựng những nhà máy đủ lớn để xử lý khối lượng công việc khổng lồ.
Một yếu tố cản trở nữa đó là nguồn nguyên vật liệu. Các thương hiệu có thể muốn thành phẩm cuối cùng được tạo ra ở Mexico hoặc Thổ Nhĩ Kỳ nhưng họ vẫn phải nhập khẩu nhiều vật liệu từ các quốc gia khác. Như vậy, chi phí vận chuyển phải tính đến.
Vì lý do này, không ít thương hiệu phương Tây sẽ vẫn quyết định đặt cơ sở sản xuất tại châu Á thay vì chuyển về gần thị trường sở tại.
Erika Swan, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động sản phẩm của Reebok đã chỉ ra rằng các nhà sản xuất quần áo của châu Á đang đầu tư mạnh vào tự động hóa để duy trì tính cạnh tranh khi chi phí lao động tăng lên. Việc chuyển sản xuất sang các nước lân cận thị trường sở tại có thể xảy ra trong vài năm tới nhưng đó chưa phải là mối đe dọa quá lớn với Trung Quốc nếu họ tiếp tục nỗ lực trong việc tăng tính cạnh tranh.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang, nhiều ý kiến cho rằng các thương hiệu thời trang đang xem xét đến việc sản xuất gần thị trường sở tại.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)