Đại Kỷ Nguyên

Mía rớt giá thảm hại còn 60.000 đồng/tấn, người trồng điêu đứng

Những ngày qua, người dân trồng mía ở tỉnh Gia Lai rơi vào cảnh khốn đốn khi nhà máy đột ngột từ chối thu mua hàng nghìn ha mía khiến giá rớt sâu chỉ còn khoảng 60.000 đồng/tấn.

Chia sẻ trên VOV, bà Nguyễn Thị Nhân, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện cho biết gần 10 ha mía đầu tư trị giá khoảng 400 triệu đồng nay không biết bán cho ai vì Nhà máy đường Ayun Pa thông báo sẽ không mua mía của gia đình bà. Nguyên nhân là gia đình bà không ký kết hợp đồng đầu tư với nhà máy.

Không thể bán cho nhà máy, bà Nhân đành chấp nhận bán mía cho thương lái với giá “rẻ như cho” là 5.000.000 đồng/ha, tính ra giá chỉ khoảng 60.000 đồng/tấn mía.

Theo bà Nhân, năm ngoái nhà máy thu mua một nửa, một nửa bà bán cho thương lái bên ngoài. Năm nay, nhà máy đột ngột dừng thu mua khiến bà buộc phải bán đổ bán tháo, rồi dọn rẫy, cày đất trồng sắn, trồng cây khác vì nhà máy thông báo trồng mía cũng không thu mua nữa.

Giá mía thấp vì nhà máy từ chối thu mua, nông dân Gia Lai rơi vào cảnh điêu đứng (ảnh: VTV).

Cùng chung hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, cũng rơi vào cảnh điêu đứng vì 6 ha mía nhà máy không thu mua.

Bà Thúy cho biết gia đình bà có hơn 10 năm bán mía cho Nhà máy Ayun Pa nhưng không ký kết hợp đồng, vì nếu có ký kết, khoản tiền nhà máy đầu tư cũng tính lãi như ngân hàng. Trong khi đó, gia đình bà có vốn để đầu tư.

Do không ký kết hợp đồng trồng mía nên vụ này Nhà máy đường Ayun Pa từ chối thu mua. Trong khi đó, thời điểm này đã chuẩn bị bước vào cuối vụ, lại sắp đến giai đoạn cao điểm mùa khô dễ xảy ra tình trạng cháy mía nên bà Thúy cũng quyết định bán đổ bán tháo cả 6 ha với giá rẻ như cho và phải chịu một khoản lỗ khoảng 200 triệu đồng.

Theo thống kê, khu vực đông nam tỉnh Gia Lai có khoảng 1.200-1.500 ha mía của nông dân không ký hợp đồng với Nhà máy đường Ayun Pa. Toàn bộ diện tích này nông dân hiện chưa biết bán cho ai vì phía nhà máy đường từ chối thu mua.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch công ty Thành Thành Công Gia Lai Nguyễn Bá Chủ cho biết năm nay hoạt động của nhà máy đường gặp nhiều khó khăn nên không thu mua mía ngoài hợp đồng.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội mía đường Việt Nam cho thấy ngành mía đường đang tồn kho 400.000 tấn. Từ đầu năm tới nay, giá đường liên tục giảm, lượng tiêu thụ của các nhà máy chậm khiến ngành đường lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều nhà máy đã phải bán bằng giá đường nhập lậu, thậm chí phải bán dưới giá thành nhưng tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Một số nhà máy còn phải tạm dừng sản xuất. Nông dân cũng rơi vào cảnh khốn đốn khi giá mía giảm sâu.

Hiệp hội mía đường Việt Nam nhận định năm 2018 sẽ là năm khó khăn nhất của ngành đường, theo chu kỳ 5-7 năm/lần. Chi phí sản xuất của các nhà máy hiện dao động 11.000-13.000 đồng/kg, nhưng nhiều nhà máy đã phải hạ giá đường xuống còn 11.500 đồng/kg. Trong khi đó, đường nhập lậu bán với giá chỉ 11.000 đồng/kg.

Nguyễn Trang

Exit mobile version