Ở Việt Nam, mít được bày bán tràn lan trên vỉa hè, chợ cóc với giá rẻ mạt, chỉ vài chục nghìn một kg. Song, ở nước ngoài, một quả mít có giá trên 1 triệu đồng, đắt gấp hơn chục lần so với ở Việt Nam mà vẫn không có để mua.
Có một thực tế là nhiều nông sản tại Việt Nam được bán với giá rất rẻ mạt, nhưng khi ra nước ngoài, chúng được bán với giá cao bất ngờ. Quả mít là một ví dụ điển hình, theo Vietnamnet.
Mít Việt Nam đắt giá ở “trời Tây”
Ở Việt Nam, mít được bán với giá khá rẻ, chỉ vài chục nghìn một kg. Theo khảo sát, mít giống Thái hiện có giá bán khoảng 25.000 đồng/kg, mít Tố Nữ giá khoảng 35.000 đồng/kg. Còn riêng loại mít quê (mít trồng theo số lượng nhỏ lẻ ở các vùng quê) thì giá chỉ 15.000 đồng/kg.
Cùng một loại hoa quả Việt đó, sau khi được các doanh nghiệp nước ngoài bảo quản, đóng gói, dán tem phiếu, chúng được bán ở “trời Tây” với mức giá khó tưởng tượng.
Chị Huyền, du học sinh Úc cho biết, một quả mít Việt Nam được bán ở Úc với giá 20 AUD/kg, tương đương 340.000 – 350.000 đồng/kg. Như vậy, một quả mít nặng từ 3-5 kg có giá tới 1 triệu đồng. Tuy đắt gấp 10 lần so với giá mít bán trong nước nhưng mít Việt tại Úc luôn trong tình trạng khan hàng.
Đối với những người Việt ở Úc, để thưởng thức thực phẩm của quê nhà, họ thường phải trả giá rẻ nhất cũng cao hơn gấp 4-5 lần so với ở Việt Nam, thậm chí, có một số loại quả đắt gấp hàng chục lần. Dù đắt như vậy, nhưng những loại hoa quả này lúc nào cũng trong tình trạng khan hiếm, đặc biệt, càng là hoa quả quê, vào đúng mùa vụ thì càng đắt hàng.
Là siêu thực phẩm nhưng bị dân Việt thờ ơ
Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Liên Hợp Quốc từng đưa ra cảnh báo sớm về việc nhiệt độ tăng và lượng mưa thất thường có thể làm giảm sản lượng lúa mì và ngô. Trong tương lai, mít và nhiều loại trái cây khác có thể đảm nhiệm vai trò thay thế nguồn lương thực chính cho con người.
Cách đây ít lâu, một số tờ báo nổi tiếng trên thế giới đã đăng những thông tin bất ngờ về tác dụng của quả mít. Theo đó, các nhà nghiên cứu dinh dưỡng cho rằng, khi biến đổi khí hậu làm cho tương lai ngành thực phẩm trở nên bất ổn, nhất là những nơi nghèo đói, thì mít chính là “vị cứu tinh”. Nó có thể thay thế thịt, giúp “lấp đầy dạ dày” mà vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Bởi vì, theo các chuyên gia, mít có hàm lượng protein, kali và vitamin B cao, chỉ cần 2 múi mít đã chứa khoảng 95 calo, nhưng chúng không có lượng đường bột hay calo cao như gạo, ngô. Ngoài ra, chúng cũng chứa 37% lượng vitamin C cần cho 1 ngày, 1 gram chất béo và 38 gram carbohydrate.
Theo eHealthzine, các chất dinh dưỡng trong mít còn có tác dụng trong ngăn ngừa ung thư, tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm lượng cholesterol, tăng cường xương và nhiều hơn nữa.
Chính vì những lý do trên nên tại các cửa hàng ăn chay ở Mỹ như: New York, Louisville cho đến Kansas, Los Angeles,… hoặc ở Mexico, mít được sử dụng để thay thế thịt lợn, đặc biệt là mít non, với mùi vị giống hệt. Nhiều người còn dự đoán mít non có thể là loại thực phẩm hoàn hảo để thay thế thịt lợn.
Không chỉ là một loại quả “thần kỳ”, các bộ phận của mít bao gồm thân cây, lá đều có những tác dụng nhất định. Lá mít có thể sử dụng làm thức ăn cho dê, gia súc, đồng thời chữa sốt, nhọt và các bệnh ngoài da. Vỏ cây mít cũng được dùng để điều chế thuốc nhuộm màu da cam thường thấy trên áo của các nhà sư.
Thực tế ở Việt Nam, nhiều người khá thờ ơ với mít. Người Việt đa phần đều nghĩ mít chỉ là loại quả làm quà vặt nên ăn hạn chế. Dân gian cho rằng, khi ăn quá nhiều có thể làm cơ thể bị nóng và nổi mụn nhọt.
Chỉ một số ít địa phương biết dùng mít để làm các món ăn như mít trộn với tôm, hành, nước mắm để ăn kèm với bánh tráng. Nhiều người còn dùng mít non để nấu canh như rau, kho cá, xào với thịt, làm gỏi. Tuy nhiên, những người biết sử dụng mít như là một loại thực phẩm trong bữa cơm hàng ngày khá khiêm tốn.
Thế Tam