Nếu Trung Quốc vỡ nợ, phản ứng đầu tiên từ các ngân hàng trung ương có thể sẽ giống như hành động sau vụ sụp đổ của nhà băng Lehman Brothers.
Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế trên 6,5% mỗi năm, Trung Quốc đã phải đánh đổi bằng quả bom nợ tín dụng, từ cấp chính phủ đến cấp doanh nghiệp. Chẳng hạn, nợ của khối doanh nghiệp đã tăng từ mức 101% GDP năm 2008 lên 170% hiện nay, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 73%.
Những khoản nợ này đang đến hạn phải trả.
Theo hãng tin Nikkei, 2018 sẽ là năm Trung Quốc phải trả nợ nhiều nhất trong vòng 1 thập kỷ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các công ty Trung Quốc phải thanh toán 365 tỷ USD các khoản nợ trái phiếu.
Mức độ căng thẳng của việc trả nợ đang được thể hiện trong 7 tháng đầu năm nay khi đã có ít nhất 20 vụ vỡ nợ, gần bằng con số cả năm 2017.
Trả nợ không là chưa đủ. Có hai lý do cho thấy tình hình sẽ còn tồi tệ hơn: Đồng Nhân dân tệ đang trượt dốc và cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.
Đồng Nhân dân tệ đã giảm 5,2% so với đồng USD kể từ đầu năm nay. Điều này diễn ra cùng lúc với các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Á đang mất đà, khiến dòng vốn chảy ra ngoài.
Thông thường, nhiều người có thể kết luận rằng chính quyền Bắc Kinh đang thao túng tỷ giá hối đoái để giành lấy lợi thế cạnh canh cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng sự sụt giảm của đồng Nhân dân tệ lần này dường như không có chủ ý từ trước.
Đồng Nhân dân tệ càng yếu, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu ngoại tệ càng lớn. Nợ bằng USD của các công ty Trung Quốc hầu như không tồn tại vào năm 2008. Nhưng giờ đây, nợ ngoại tệ đang đứng ở mức 500 tỷ USD. Cho dù đây không phải số nợ quá lớn khi Bắc Kinh đang nắm trong tay hơn 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng các khoản vay nước ngoài, nếu vỡ nợ, vẫn sẽ tạo ra mộc cú sốc mạnh nhất từ trước đến nay cho hệ thống chính trị Trung Quốc.
Cho đến tận tháng 3/2014, Trung Quốc đã không để cho các công ty vỡ nợ. Công ty Shanghai Chaori Solar Energy Science & Technology trở thành doanh nghiệp đầu tiên vỡ nợ trái phiếu vào tháng 3/2014. Chỉ 13 tháng sau, thị trường toàn cầu lại tiếp tục bị choáng khi tập đoàn bất động sản Kaisa tuyên bố không thể trả được các khoản nợ bằng đồng USD.
Chính quyền Tập Cận Bình đã phải đưa ra cam kết cứu trợ cho các doanh nghiệp. Bỏ qua cho những vụ vỡ nợ là một phần trong cam kết của ông Tập. Câu hỏi đặt ra là ông Tập sẽ có sức chịu đựng đến đâu?
Báo chí đã liên tục đưa tin rằng tỷ lệ vỡ nợ của Trung Quốc sẽ tăng lên, đặc biệt đối với nợ bằng đồng USD. Các nhà đầu tư liên tục bán ra đồng Nhân dân tệ tạo ra hiệu ứng lan truyền ngày càng mạnh.
Số vụ vỡ nợ tăng đang đe dọa đến chính sách cải cách mà chính quyền ông Tập đang hối thúc. Cho đến nay, năm 2016 vẫn là năm đỉnh cao về tỷ lệ vỡ nợ của Trung Quốc. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Tập bắt đầu kìm hãm các rủi ro, đòn bẩy tài chính và hoạt động ngân hàng ngầm.
Chính quyền Bắc Kinh bắt đầu thắt chặt các quy định về quản lý tài sản và các công cụ đầu tư nằm ngoài bảng cân đối tài sản. Hai năm nay, các doanh nghiệp đang vấp phải khó khăn trong việc huy động vốn mới để thanh toán các khoản nợ hiện tại.
Vụ vỡ nợ của công ty năng lượng Wintime Energy được cho là vụ vỡ nợ lớn nhất tại Trung Quốc trong năm 2018. Với con số lên tới 11 tỷ USD, số nợ mà tập đoàn này phải gánh trên lưng đã tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 5 năm. Điều đó có nghĩa là đã có một làn sóng tín dụng hậu Lehman Brothers của Trung Quốc cho đến khi chính quyền ông Tập thay đổi cuộc chơi.
Quả bom nợ phình to diễn ra khi thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc tăng gần gấp đôi quy mô. Với con số tổng cộng khoảng 12.000 tỷ USD, Trung Quốc hiện có quả bom nợ lớn thứ ba thế giới.
Chính quyền Bắc Kinh đang lợi dụng nợ để kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước khỏi hỗ trợ hoạt động ngân hàng ngầm.
Vài người hoài nghi việc chính quyền ông Tập sẽ cho phép để xảy ra các vụ vỡ nợ. Nếu theo góc độ này, câu hỏi đặt ra là tại sao đồng Nhân dân tệ không giảm mạnh hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng có thể sẽ hỗ trợ vì không muốn đánh mất quyền kiểm soát hoặc cũng có thể để tránh cơn thịnh nộ của ông Trump.
Trong một bài phỏng vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump với CBNC vào tháng 7, ông nói: “Trung Quốc, đồng tiền của họ đang giảm mạnh. Còn đồng tiền của chúng ta đang tăng lên. Tôi phải nói với các bạn, điều này đang đặt chúng ta vào thế bất lợi”.
Cuộc chiến thuế quan của ông Trump đang leo thang. Đầu tiên ông áp mức thuế 25% với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Tiếp đó ông đánh thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Bước tiếp nữa, ông có thể sẽ đánh thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục.
Bom nợ nổ sẽ càng nhanh khi các doanh nghiệp không thể huy động vốn. Bất kỳ sự thụt lùi nào trong tăng trưởng sẽ là phát đạn bắn ngược lại vào tình trạng tín dụng đang yếu đi của Trung Quốc.
Điểm mấu chốt là ông Tập phải tiếp tục chính sách cải cách. Trong những năm gần đây, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã công bố các biện pháp để trấn an giới đầu tư: cắt giảm thuế, cho vay kinh doanh mới và tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng. PBOC đang cho vay ít nhất 75 tỷ USD cho các ngân hàng để kích thích hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, cho vay nhiều có thể giảm các vụ vỡ nợ trước mắt và trấn an thị trường, nhưng về lâu dài lại khiến vấn về về nợ trở nên trầm trọng hơn.
Khi Trung Quốc cố gắng đẩy mạnh sự ảnh hưởng của mình thông qua Sáng kiến “Con đường và Vành đai”, giới ngân hàng mong đợi đồng tiền Trung Quốc tăng giá so với đồng USD. Nhưng khá trớ trêu, mong muốn này không được đáp ứng.
Tuy nhiên, tham vọng cải cách trong nước của ông Tập vẫn phải duy trì ở mức cao. Theo chuyên gia Chen Long thuộc Viện nghiên cứu Gavekal, để vỡ nợ là điều tốt vì nó nhắc nhở các nhà đầu tư Trung Quốc chú ý đến rủi ro tín dụng, miễn là chính quyền ông Tập tăng cường hỗ trợ hệ thống tài chính để vỡ nợ không làm hỏng cuộc hành trình hướng đến một nền kinh tế hiệu quả hơn.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng cần cẩn trọng hơn về cách đối phó với Trung Quốc. Gây bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là chủ nợ lớn nhất của trái phiếu kho bạc Mỹ có thể sẽ tạo ra cú sốc khổng lồ không thể lường trước được. Washington cũng cần phải nhận ra lý do tại sao đồng Nhân dân tệ trượt giá. Đồng USD được củng cố vì kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,1% trong quý II, tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ ở mức 4%, trong khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất.
Sẽ là một bước đi khôn ngoan nếu lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chịu ngồi lại để thảo luận với nhau nhằm thu hẹp bất đồng trong thương mại và tỷ giá hối đoái.
Kiều Ngọc