Đại Kỷ Nguyên

Một phường ở Đăk Lăk tự in xổ số lần thứ 2 để… gây quỹ khuyến học

Vé số phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk phát hành (ảnh: Trung Chuyên).

UBND phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) thuê in ấn và tự phát hành vé số, trên tờ vé ghi nội dung “xổ số khuyến học” với giá 20.000 đồng, cơ cấu giải thường là xe máy và xe đạp điện. Tuy nhiên, lãnh đạo phường thừa nhận chưa từng xin phép cơ quan có thẩm quyền nào về hoạt động xổ số.

UBND phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) thuê in ấn và tự phát hành vé số, trên tờ vé ghi “Xổ số khuyến học P.Thống Nhất”, giá vé 20.000 đồng/tờ, mở thưởng vào 17h ngày mùng 6 tết (tức ngày 21/2); người trúng giải sẽ lĩnh thưởng: trụ sở UBND phường Thống Nhất. Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất (1 xe máy Vision), 1 giải nhì (1 xe máy Wave Alpha), 2 giải ba (mỗi giải 1 xe đạp điện), theo Thanh Niên.

Ông Đinh Quốc Hùng, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, “xổ số khuyến học” là hoạt động thường niên được tổ chức vào dịp tết nhằm gây Quỹ khuyến học của phường. Tết Mậu Tuất, phường phát hành 10.000 vé; 4 trường tiểu học, mầm non trên địa bàn được giao tiêu thụ gần 4.000 vé, còn lại giao cho khối cán bộ, nhân viên, các đoàn thể của phường, mỗi người nhận tiêu thụ từ 25-100 vé… Tết năm ngoái, phường bán được 10.000 vé số, doanh thu 200 triệu đồng; sau khi trao giải, trừ các chi phí, Quỹ khuyến học thu được 95 triệu đồng, phát thưởng cho các em học sinh giỏi hơn 70 triệu đồng.

Ông Cồ Quốc Bảo – Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân Hà 2 cho biết, ông được phường giao 30 vé số để bán trong chi hội, nhưng 12 hội viên chưa ai đồng ý mua. Năm ngoái, ông cũng được nhận 30 vé nhưng bán được 10 vé, còn lại 20 vé phải bỏ tiền túi 400.000 đồng để mua.

Theo ông Vũ Đức Tuyển – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường được phường giao 750 vé số. Trường có 464 học sinh, khoảng 400 em mỗi người mua 1 vé, giáo viên mua khoảng 10 vé. Trừ học sinh thuộc diện dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo không phải mua. Theo ông Tuyển, vé số này giao về bán theo hình thức vận động tự nguyện mua, nếu không mua hết thì gom trả vé thừa cho phường.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên than thở khi được giao “chỉ tiêu” mua vé số do phường Thống Nhất phát hành. Họ cho rằng, việc mua vé số được cấp trên ấn định bắt buộc, chứ phải hoàn toàn tự nguyện.

Một giáo viên cho biết, nếu không bán được số vé đạt “chỉ tiêu” sẽ bị hạ bậc thi đua. Dịp Tết này, mỗi người được ngân sách tỉnh tặng 300.000 đồng sắm tết, song họ phải bỏ ra 200.000 đồng để mua vé số. Thậm chí, đôi vợ chồng cùng trong ngành nếu có con nhỏ đang học tại trường phải mua tổng cộng 21 vé số với số tiền hơn 400.000 đồng.

Lãnh đạo phường cho hay, việc phát hành vé số này hoàn toàn minh bạch, cấp ủy Đảng, Hội Khuyến học của phường cũng đã đồng ý; mọi khoản thu chi đều công khai và không có bất kỳ tiêu cực nào. Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận phường chưa từng xin phép cơ quan có thẩm quyền nào về hoạt động xổ số.

Trong khi đó, ông Trần Văn Sỹ, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ nói rằng, từ trước nay chưa nhận thông tin chính thức về việc phường Thống Nhất tổ chức tự in, phát hành vé số. “Việc phường tự phát hành vé số là không đúng theo các quy định hiện hành của nhà nước. Chúng tôi đang chỉ đạo UBND phường cho dừng việc phát hành, thu hồi vé số này, báo cáo cụ thể về UBND thị xã”, ông Sỹ nói.

Xuân Hoà

Exit mobile version