Đại Kỷ Nguyên

Mùa Vu lan đồ chay đắt khách, quà tặng đắt giá lên ngôi, nhưng đâu mới là giá trị thật?

Bên cạnh mặt hàng vàng mã, các gia đình cũng chuẩn bị các loại thực phẩm chay khác nhau để sử dụng trong mùa Vu Lan báo hiếu.

Rằm tháng Bảy cận kề cũng là lúc các mặt hàng như trái cây, rau củ, đồ chay phục vụ cho mùa Vu Lan hút khách.

Rằm tháng 7 Âm lịch (lễ Vu Lan) hằng năm, người Việt thường cúng dàng để cầu siêu cho người thân quá vãng, cầu phúc, tích lũy công đức cho người sống. Nhiều gia đình làm mâm cỗ chay để cúng gia tiên với quan niệm tránh việc sát sinh đề hồi hướng cho hương linh của người thân. Nắm bắt được nhu cầu này thị trường thực phẩm chay đã nhộn nhịp từ đầu tháng, phong phú về nguyên liệu, mẫu mã. Bên cạnh những thực phẩm sơ chế, dịch vụ nấu cỗ theo đơn hay các quán chay cũng trở nên sôi động.

Chị Phạm Thu Hương – chủ nhà hàng chay tại Hà Nội chia sẻ với Dân Trí, nếu như trước đây khách ăn chay chỉ vài người theo đạo Phật, người hay đi chùa ăn kiêng ngày rằm, mồng 1 thì nay đối tượng này đã được mở rộng hơn. Quán chay mở cả tuần và thực khách ăn bất cứ lúc nào họ muốn. Dù phải chế biến cầu kỳ nhưng giá đồ ăn chay đều rẻ hơn đồ mặn.

Mâm cỗ chay 6 người ăn có giá khoảng 700.000 đồng.
Cơm suất 7 món, 9 món thường có giá từ 85.000 – 150.000 đồng/suất. (Ảnh: Tuệ Tâm)

Theo VTV, các loại đồ khô như mộc nhĩ, măng, miến, phù trúc, rong biển đang là mặt hàng bán rất chạy. Giá mộc nhĩ khô ở mức 200.000-250.000/kg, nấm hương có giá khoảng 400.000 đồng/kg, rong biển từ 80.000-150.000/lạng.

Thực phẩm không thể thiếu trong mùa ăn chay chính là đậu phụ. Các tiểu thương đã tăng cường số lượng, chất lượng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mỗi miếng đậu phụ chiên sẵn có giá 5.000 đồng, một ngày tiểu thương có thể bán ra vài trăm miếng.

Đậu phụ, giò chả chay, nem chay… là những thực phẩm đắt hàng trong dịp này. (Ảnh: Pháp Luật & Xã Hội)

Đồ ăn chay đóng gói lại càng đa dạng về chủng loại như: bò lát, gà cục, heo lát, chả cá, các loại bong bóng cá, sườn cốt lết nướng, bò hầm; bột gia vị xá xíu, bột nêm nấm… Giá của những mặt hàng này đều giữ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Giá sườn chay dao động 150.000-200.000 đồng/kg, chả lụa chay có giá 90.000-120.000 đồng/kg, các loại cá viên, bò viên… đều giữ ở mức 90.000-130.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn và làm phong phú thêm thực đơn ăn chay của mình.

Bên cạnh những sản phẩm nội địa, thị trường còn xuất hiện đồ chay nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Hải sản chay, vịt chay, thịt cừu chay… có giá từ 90.000-300.000 đồng/sản phẩm. Thực phẩm chay có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc thường được làm từ rong biển và các loại sữa hạt và có giá từ 85.000-300.000 đồng.

Nấm hương Nhật Bản được trồng trên thân gỗ sồi có giá 1 triệu đồng/lạng.

Vài năm gần đây, phục vụ các gia đình bận rộn dịch vụ nẫu sẵn đồ chay cũng phát triển chóng mặt. Không chỉ ngoài chợ mà trên mạng xã hội mặt hàng này cũng được rao bán rầm rộ. Thực đơn khá đa dạng, người bán thay đổi theo ngày, quan trọng là giao hàng tận nơi nên khách hàng rất ưa chuộng. Thậm chí nhiều quầy bán đồ ăn chín cho biết, có khi đồ chay hết trong khi đồ mặn thì ế.

Các tiểu thương rục rịch quảng cáo cỗ chay trên chợ mạng.
Thực phẩm mặn cũng được rao bán, phục vụ nhu cầu đa dạng của thực khách.

Thực phẩm chay chủ yếu chế biến từ rau củ quả nên các sản phẩm chay giả mặn đòi hỏi yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Tuy nhiên, để bảo quản thực phẩm chế biến sẵn thường dùng tới các phụ gia như chất tạo màu, tạo hương vị… để hấp dẫn người mua và giữ được lâu hơn. Vì thế nếu kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu thì rất dễ gây hại cho sức khỏe.

Hơn thế nữa, ăn chay để thanh lọc cơ thể, tâm niệm để bình an. Song trên thực tế, đồ chay “công nghiệp” lại thường được tạo hình, hương vị giống đồ mặn ừa không đem lại sự thuần khiết tự nhiên mà ngược lại còn đầu độc cơ thể bởi hóa chất được tẩm ướp và cũng khiến người thưởng thức miêng ăn chay nhưng tâm lại hướng về món mặn, như vậy đã xóa bỏ ý nghĩa của việc dâng cúng mâm cỗ chay.

Bên cạnh việc dâng cúng mâm cỗ, nhiều người có xu hướng tìm đến mặt hàng tốt cho sức khỏe để mua biếu, làm quà cho cha mẹ thể hiện sự hiếu thuận. Đó cũng là lý do mà thị trường cung cấp nhiều mặt hàng độc lạ, thậm chí rất đắt đỏ mà vẫn được nhiều người tìm mua.

Yến sào, đông trùng hạ thảo… cũng được giảm giá, giúp thượng đế dễ dàng chọn lựa, làm quà cho đấng sinh thành mùa báo hiếu.

Chị Thanh Hà (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ với Vietnamnet, những năm trước vào mùa Vu lan, vợ chồng chị thường mua yến sào làm quà biếu bố mẹ hai bên để tỏ lòng thành kính, biết ơn. Năm nay, chị chuyển sang mua đào vàng Nhật Bản. Bởi đào là biểu tượng cho sự trường thọ, sinh sôi nảy nở, còn ngụ ý tượng trưng cho sự sum vầy, gia đình hạnh phúc nên chị muốn mua làm quà.

Một quả đào Nhật nặng khoảng 300 g có giá bán lên tới 350.000 đồng (Ảnh: Khúc Ngọc Anh)

Có thể thấy khi cuộc sống đã trở nên đủ đầy, người ta bắt đầu hướng đến những nhu cầu cầu kỳ hơn. “Phú quý sinh lễ nghĩa” là điều hiển nhiên trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu như món quà ấy không phải là thành tâm và thực lòng, tặng quà chỉ để chưng diện, làm màu với xã hội thì chỉ khiến bố mẹ buồn lòng. Bởi lối suy nghĩ có phần ích kỷ và thực dụng chưa chắc đã là thứ bố mẹ mong chờ. Đôi khi món quà tinh thần còn có giá trị hơn một thứ đắt tiền nhưng vô tri.

Huyền Hương

Exit mobile version