Chuỗi 9 năm liên tiếp đứng đầu thế giới về khả năng cạnh tranh toàn cầu của Thụy Sĩ đã khép lại với sự vượt lên của Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam bị tụt 3 bậc xuống vị trí thứ 77 trong số 140 nền kinh tế được xếp hạng.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu thường niên 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố sử dụng phương pháp mới theo hướng đề cao tăng trưởng tương lai dựa trên công nghệ.
WEF xếp hạng các nền kinh tế thông qua 98 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động kinh doanh, Khả năng đột phá). Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.
Do sự điều chỉnh phương pháp này, Mỹ giành lại vị trí số 1 sau 10 năm. Trong khi đó, Thụy Sỹ tụt xuống vị trí thứ 4, Singapore và Đức tiếp tục giữ vị trí tương ứng thứ 2 và thứ 3.
Xếp hạng năm nay của WEF đưa ra đánh giá 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thang điểm từ 0-100, so với con số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng vào năm 2017.
Theo bảng xếp hạng, Mỹ giành 86,5 điểm, đồng nghĩa với việc nền kinh tế số 1 thế giới còn thiếu 14,4 điểm nữa là đạt năng lực cạnh tranh lý tưởng. WEF đánh giá Mỹ là một “cường quốc sáng tạo” với văn hóa kinh doanh “sôi động” và thị trường lao động và hệ thống tài chính “mạnh mẽ”.
Năm nay, Việt Nam đạt 58,1 điểm, xếp hạng thứ 77/140. Thứ hạng năm ngoái của Việt Nam là 74/135.
Trong số 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở trụ cột “sức khỏe” với 81 điểm, đứng thứ 68. Trong khi đó, ở trụ cột “năng lực sáng tạo”, Việt Nam chỉ đạt 33,4 điểm, đứng thứ 82.
Trung Quốc đứng ở vị trí 28 trong xếp hạng, Nga thứ 43 và Ấn Độ ở vị trí 58.
Nhóm 30 nền kinh tế “đội sổ” của xếp hạng chủ yếu là các nước châu Phi. Trong đó, đứng cuối cùng là Haiti, Yemen và Chad.
Báo cáo năm nay nhận định các nền kinh tế vẫn còn khá yếu trong quá trình tích hợp đột phá sáng tạo khi có tới 103 quốc gia đạt điểm dưới 50 trong tiêu chí này. Quan điểm về rủi ro trong khởi nghiệp tích cực nhất là ở Israel và có xu hướng tiêu cực tại một số nền kinh tế Đông Á.
Vỹ An (Tổng hợp)