Đại Kỷ Nguyên

Mỹ giành lại ngôi vương về sản xuất dầu thô thế giới

Vượt Nga và Ả Rập Xêut, Mỹ đã giành lại ngôi vương về sản xuất dầu thô của thế giới, theo hãng tin CNN.

Theo số liệu sơ bộ của Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày 12/9, Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1973.

Kỳ tích này cho thấy sự bùng nổ về dầu đá phiến của Mỹ trong giai đoạn định hình lại các khu vực sản xuất năng lượng toàn cầu. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp hơn 2 lần so với thập kỷ trước.

Bang Texas (Mỹ) là tâm điểm của của sự bùng nổ dầu đá phiến. (Ảnh: Shutterstock).

“Đây là một cột mốc lịch sử và cũng là một lời nhắc nhở rằng đừng bao giờ mất niềm tin vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ”, Chủ tịch Bob McNally của Tập đoàn Năng lượng Rapidan nhận định.

Bang Texas (Mỹ) là tâm điểm của của sự bùng nổ dầu đá phiến. Theo cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dầu được sản xuất tại khu vực phía tây Texas đã tăng mạnh vào tháng 2/2018, giúp Mỹ lần đầu tiên vượt qua Ả Rập Xêut trong vòng hơn 2 thập kỷ qua.

Sản lượng của Mỹ đã tiếp tục tăng trong tháng 6 và tháng 8, đạt gần 11 triệu thùng/ngày. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng trên đã giúp Mỹ vượt Nga lần đầu tiên kể từ tháng 2/1999.

Tổ chức EIA còn dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục giữ ngôi vương của mình cho đến hết năm 2019.

Thay đổi cuộc chơi

Thành tựu về sản lượng trên đạt được phần lớn nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khai thác. Kỹ thuật thủy lực cắt phá đã giúp “mở khóa” một kho dầu khí khổng lồ vốn bị mắc kẹt dưới lòng đất. Đồng thời, kỹ thuật này cũng đã giúp giảm đáng kể chi phí khai thác.

“Điều này đã giúp thay đổi vị thế của Mỹ trong cuộc chơi. Chúng ta có sức trụ và cạnh tranh hơn”, Giám đốc đầu tư Ben Cook của công ty quản lý năng lượng BP Capital Fund Advisors cho biết.

Sức trụ đó là điều cần thiết khi giá dầu lao dốc vào cuối năm 2014. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ giá dầu để giành lại thị phần bị rơi vào tay Mỹ và các nhà sản xuất dầu thô khác. Dầu giảm khiến hàng chục công ty dầu mỏ của Mỹ không thể tiếp tục sản xuất và phải sa thải nhân viên.

Khi giá dầu bắt đầu hồi phục vào năm 2016, các công ty dầu đá phiến của Mỹ đã nhanh chóng tăng sản lượng. Công nghệ khai thác được cải tiến khiến chi phí sản xuất giảm.

Một thay đổi quan trọng khác nữa đó là khách hàng mua dầu của Mỹ hiện nay nằm khắp nơi sau khi Nghị viện Mỹ vào cuối năm 2015 dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sau 40 năm. Mỹ hiện đang xuất khẩu dầu đến Nam Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Sản xuất dầu thô Mỹ tăng mạnh. (Ảnh: CNN)

EIA dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ còn tiếp tục lớn hơn của Nga và Ả Rập Xêut trong năm 2019 với 11,5 triệu thùng/ngày. Năm 2017, nước này sản xuất 9,4 triệu thùng dầu/ngày.

Sự bùng nổ dầu đá phiến có những tác động lớn tới an ninh, giúp Mỹ bớt phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu, trong đó có từ khu vực Trung Đông đầy bất ổn.

Tuy nhiên, OPEC và Ả Rập Xêut vẫn đóng vai trò quan trọng đối với thị trường dầu toàn cầu với khả năng ảnh hưởng tới giá dầu. Và nếu chỉ trông chờ vào sản lượng dầu tự sản xuất, Mỹ cũng không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ, phần lớn được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước, hiện vẫn cần lượng lớn dầu mỏ nhập từ nước ngoài.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Exit mobile version